Lịch Sử Nhiều Khi Không Lập Lại
“One can go to war alone, but you can’t build peace alone” Jacques Chirac,
Ðào Viên
Chỉ sau ba tuần lễ kinh khủng, với một hỏa lực vô tiền khoáng hậu, reo rắc kinh hoàng và khủng khiếp (tạm dịch cụm từ “shock and awe”, của Ngũ Giác Đài) cho dân Irắc, liên quân Hoa Kỳ-Anh Quốc (Liên Quân) đã đánh tan đoàn quân tinh nhuệ nhất của Irắc – có lẽ đúng hơn là đã không gặp một kháng cự nào đáng kể của đoàn quân này - tiến vào thủ đô Bagdad như vào chỗ không người, quét sạch chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein, và, theo như dự định, sẵn sàng bắt tay vào việc tái tạo quốc gia (nation building) Irắc (1).
Thế nhưng, nếu công tác đánh dẹp chính quyền Sadam Hussein tại Irắc rất tốt đẹp và phấn khởi, thì ngược lại công tác tái tạo quốc gia này lại rất bê bết và làm thất vọng rất nhiều chính quyền của T.T. Bush. Đây là một trong những bất ngờ mà chính phủ Hoa Kỳ đã không tính trước khi quyết định đánh chiếm Irắc. Sau hai tháng chiếm đóng tái lập hòa bình – trái ngược lại với chỉ 3 tuần lễ tấn công - Irắc, nhất là tại thủ đô Bagdad, vẫn đầy rối loạn. Tại nhiều nơi, những dịch vụ công cộng cơ bản như điện, nước, điện thoại, đổ rác vẫn chưa được tái lập như trước. Nạn cướp bóc, thổ phỉ vẫn hoành hành, không những phá hoại quốc gia Irắc, lại còn đe dọa cả tính mạng và tài sản của dân chúng. Chưa có được một nền hành chánh dân sự hữu hiệu để phục vụ người dân. Nạn thất nghiệp lan tràn, gây ra bởi cả trăm ngàn công chức và quân đội chế độ cũ không được thu dụng. Sự bất mãn của người dân Irắc đối với đoàn quân chiếm đóng Anh-Mỹ - cũng có thể gọi là tinh thần bài Mỹ, chống Mỹ - mỗi ngày thêm rõ rệt, thêm phổ cập. Những vụ biểu tình tỏ ý chống đối đoàn quân chiếm đóng vì đã đem lại tan hoang, hỗn loạn, bất an cho xứ sở họ vẫn diễn ra luôn luôn. Hàng tuần vẫn có những vụ tấn công lẻ tẻ vào những đơn vị đồn trú hay đi tuần tiễu của Hoa Kỳ, và đã gây tổn thất đáng kể cho đoàn quân chiếm đóng này(2). Do đó Liên quân Anh-Mỹ vẫn phải tiếp tục hành quân, lùng diệt những nhóm bắn sẻ, nhóm du kích, hoặc trung thành với chế độ cũ, hoặc không chịu sự chiếm đóng của ngoại nhân trên nước họ. Điều này đương nhiên đưa đến những đối nghịch với dân địa phương, khi nhà cửa của họ bị khám xét, lục soát, đôi khi phá hoại, và nhất là khi dân chúng bị bắt bớ, đánh đập hay bắn chết. Chính phủ Hoa Kỳ đã phải thay thế vị Toàn Quyền cũ, một ông tướng hồi hưu, đã tỏ ra bất lực, bằng một vị Toàn Quyền khác, một nhà ngoại giao với nhiều kinh nghiệm chống khủng bố, với nhiều quyền hành hơn.
Trước khi tấn công Irắc, những chiến lược gia của T.T. Bush đã không tiên đoán được những khó khăn mà họ đã gặp phải trong công cuộc trùng tu tái tạo quốc gia này. Phó Tổng thống Dick Cheney đã từng tuyên bố rằng ông rất tin tưởng là khi quân đội Hoa Kỳ tiến vào Irắc thì họ sẽ được dân chúng mừng reo đón tiếp như là đoàn quân giải phóng chờ đọi tự bao lâu. Do đó, với sự cộng tác nhiệt thành của nhân dân Irắc thì công tác tái tạo xứ sở sẽ chẳng khó khăn gì và mọi việc sẽ trơn tru tốt đẹp. Lý tưởng Tự Do Dân Chủ Tây Âu, đại diện bởi Anh và Mỹ, hai cường quốc nhất nhì Tây Âu, cũng là nhất nhì thế giới, sẽ được reo rắc tại đây, đem lại thịnh vượng cho vùng Trung Đông, đóng góp vào nền hòa bình thế giới.
Người Hoa Kỳ rất hãnh diện về những thành tích trong quá khứ của Hoa Kỳ giúp đỡ những nước bại trận tái tạo quốc gia, để góp phần vào nền hòa bình thế giới. Chương trình Marshall giúp đỡ Tây Âu, đặc biệt nước Đức, sau Đệ Nhị Thế Chiến, đã là một thành công vượt bực. Nước Nhật, một nước bại trận kiệt quệ sau một cuộc chiến tranh phiêu lưu kéo dài trên 10 năm, được Mỹ giúp đỡ, đã trở nên một cường quốc kinh tế rất mạnh, vượt trên cả những đồng minh của Hoa Kỳ, những nước đã từng đánh bại họ. Bởi vậy cho nên công tác tái tạo quốc gia Irắc, một nước nhỏ bé so với Cộng Hòa Liên Bang Đức hay Nhật Bản, đối với những chiến lược gia của T.T. Bush, đã không phải là một vấn đề đáng quan tâm nhiều.
Thế nhưng, lịch sử đã không lập lại như Hoa Kỳ đã nghĩ. Bởi vì đã có những khác biệt rất lớn giữa tình hình nước Nhật bại trận năm 1945 và Irắc bị Hoa Kỳ đánh bại năm 2003. Điều khác biệt đầu tiên phải nói đến là Nhật Bản đã là kẻ gây hấn. Nhật đã tấn công Hoa Kỳ trước và nước này đã phải chống trả. Cả hai đều là những cường quốc trên thế giới. Trong cuộc đối đầu, người tám lạng kẻ nửa cân này, Nhật đã thua thì họ phải chịu. Do đó, dân chúng Nhật phải chấp nhận cái số phận của kẻ bại trận, chấp nhận sự áp đặt của kẻ thắng trận là Hoa Kỳ, trong tinh thần tự trọng truyền thống của họ. Khi được Hoa Kỳ hứa hẹn giúp đỡ để tái tạo quốc gia, thì dân Nhật phải gạt bỏ niềm tự hào mà chấp nhận. Và họ đã chấp nhận trong niềm chịu đựng để vùng dậy, trở thành một cường quốc kinh tế, cả thế giới phải nể trọng..
Ngược lại, Irắc không phải là kẻ gây hấn. Hoa Kỳ đã đơn phương đánh Irắc trước. Hoa Kỳ lại là một nước lớn, một đại cường, trong khi Irắc chỉ là một nước nhỏ bé, không dám gây sự với Hoa Kỳ. Cuộc đối đầu không phải là một cuộc đánh nhau tương đương, đồng cân đồng lạng như trong một trận đấu quyền Anh mà dân Hoa Kỳ rất thích, mà là một trận đấm đá, lớn đánh bé, khoẻ đánh yếu. Dân chúng Irắc không thể chấp nhận là một kẻ bại trận trong một cuộc chiến sòng phẳng như dân Nhật được. Ngược lại, họ có mặc cảm là nạn nhân của một bất công. Công ơn của Hoa Kỳ dẹp bỏ chính quyền của T.T Saddam Hussein cứu dân Irắc ra khỏi một chế độ hà khắc, bất nhân đáng lẽ phải dược dân chúng Irắc biết ơn, nếu Hoa Kỳ làm cho nhân dân Irắc tin tưởng được rằng Hoa Kỳ đến Irắc không phải để chiếm đóng lãnh thổ, để kiểm soát chính quyền hay nhân dân địa phương, hay để kiểm soát tài nguyên – nói rõ ra là dầu hỏa - rất phong phú của xứ này. Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa lấy được lòng tin của người địa phương. Quyết định của ông Toàn Quyền mới Paul Bremer III không để cho người Irắc tham dự đìều khiển chính sự, mà chỉ được đóng vai trò cố vấn cho chính quyền chiếm đóng Anh-Mỹ, càng làm cho lòng nghi kỵ gia tăng. Bởi vậy trông đợi ở sự cộng tác của dân Irắc vào công tác tái tạo quốc gia, trong giai đoạn này, là một điều xa vời.
Khác biệt thứ hai phải kể đến là Nhật Bản là một nước thống nhất, đồng nhất và rất đoàn kết. Ngoài ra, vị Toàn Quyền Mỹ hồi đó là Đại Tướng MacArthur dã có một quyết định rất khôn ngoan là để nguyên Nhật Hoàng Hirohito tại vị, mà chỉ đưa những lãnh tụ quân nhân ra Toà Án Quân Sự xét xử như những tội phạm chiến tranh mà thôi. Nhật Hoàng, tuy chẳng có quyền hành gì, nhưng với cương vị là lãnh tụ tối cao của dân Nhật, vốn có sẵn một uy tín lớn đối với người dân, đã đem lại sự ổn định cần thiết cho đoàn quân chiếm đóng cai trị xứ xở mà thực hiện công tác tái tạo quốc gia.
Irắc thì khác hẳn. Kể từ ngày lập quốc, Irắc chưa bao giờ là một quốc gia đồng nhất và thống nhất, có một nền chính trị hòa đồng dân tộc. Đây chính là kết quả của chính sách chia dể trị cùa đế quốc Anh, sau đệ nhất thế chiến. Người Anh và người Pháp đã phân chia vùng Trung Đông, trước thuộc đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) ra làm nhiều tiểu quốc mà đặt dưới sự ủy trị hay bảo hộ của hai mẫu quốc này, bất chấp điều kiện văn hoá, địa lý địa phương. Irắc đã được người Anh lập nên từ một mảnh đất hoang vu, với nhiều chủng tộc khác nhau (Kurds, Ả Rập, Thổ, Persian), nhiều tôn giáo khác nhau (Islam Sunnis, Islam Shiites, Thiên Chúa giáo)(3), do đó là mầm mống có sẵn của nhiều mâu thuẫn nội tại, mà sự hòa hợp, yên ổn chỉ có thể có được dưới một chính thể tập quyền trung ương mạnh. Chính thể Saddam Hussein là một. Khi Hoa Kỳ đập tan song chính quyền Saddam Hussein, mà lại không có sẵn một cá nhân hay một tập đoàn lãnh đạo nào thay thế để nhân dân Irắc trông vào, thì hỗn loạn phải sẩy ra. Có thể nói là đế quốc Anh đã để lại một ổ kiến lửa lớn cho người Mỹ giải quyết khi phá tan chính quyền đương nhiệm, tiến vào chiếm đóng xứ này.
Sự tái tạo quốc gia Nhật bản không gặp nhiều khó khăn, mặc dầu sau cuộc đầu hàng vô điều kiện, Nhật đã bị phá sản về phương diện kinh tế, tài chánh. Thế nhưng, những hạ tầng cơ sở quốc gia (đường xá, cầu cống, công ốc, máy điện, điện thoại, viễn thông, y tế, giáo dục…) không bị thiệt hại bao nhiêu, ngoại trừ Hiroshima và Nagasaki là hai đô thị bi hầu như san bằng vì hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ. Do đó, với tiền bạc viện trợ của Hoa Kỳ, người Nhật đã có thể trỗi dậy được một cách sớm sủa chóng vánh.
Ngược lại khi Anh-Mỹ tiến đánh Irắc, các hạ tầng cơ sở của quốc gia này đã bị tàn phá tan nát một cách có hệ thống bởi hỏa lực của Hoa Kỳ - có thể là để răn đe những quốc gia khác - từ đài phát thanh, truyền hình, điện lực, điện thoại, thủy cục, đến các công sở, công ốc vân vân. Thêm vào đó, liên quân đã lại bỏ mặc cho đám thổ phỉ, giặc cướp địa phương cướp bóc tàn nhẫn không còn gì, thì làm sao chẳng gặp khó khăn khi muốn tái tạo? Chỉ có một hệ thống quốc gia Irắc đã không bị liên quân tàn phá, mà ngược lại đã được bảo vệ kỹ lưỡng. Đó là các giếng dầu hỏa nổi tiếng của xứ này. Ngay trong tuần lễ đầu của cuộc chiến, liên quân đã chiếm ngay được các giếng dầu hỏa không bị tàn phá ấy, và cấp phát ngay một khế ước cho đại công ty dầu hỏa Halliburton (của phó T.T. Dick Cheney) để rập tắt các đám cháy lẻ tẻ, chuẩn bị khai thác lại (4). Hành động này đã reo rắc thêm nghi ngờ cho những người Ả Rập trong vùng về hậu ý của Hoa Kỳ khi tấn công và chiếm đóng Irắc. Nhất là khi liên quân đã lại không tìm thấy được một dấu hiệu nào chứng tỏ T.T. Saddam Hussein có võ khí giết người hàng loạt (weapons of mass destruction, hay WMD) như Anh-Mỹ đã tuyên bố để biện minh cho sự đơn phương đánh chiếm Irắc.
Một yếu tố khác làm cho sứ mạng tái tạo quốc gia Irắc của Hoa kỳ thêm phức tạp , khó khăn nữa là, trong khi Nhật bản là một hải đảo ngoài đại dương, hầu như nội bất xuất, ngoại bất nhập, không chịu một chi phối ngoại lai nào, thì Irắc lại tiếp cận với một số quốc gia khối Ả Rập, mà sự tiến đánh và chiếm cứ Irắc của Anh-Mỹ đã không được nhìn với nhiều thiện cảm. Thêm vào đó sự trở về của những người di dân ra nước ngoài - một số khá đông tại Iran và Syria – tránh chế độ hà khắc của T.T. Saddam Hussein, và đòi hỏi lại những tài sản bị tịch thu, bị chiếm cứ, bị mất mát, càng làm cho sứ mạng ấy thêm phần khó khăn.
Trên đây là những khác biệt giữa hai công tác tái tạo quốc gia của Hoa Kỳ, của T.T. Truman (tái tạo Nhật Bản) và T.T. George W. Bush (tái tạo Irắc). Nếu nhìn sâu vào hai sứ mạng này, người ta sẽ thấy một sự khác biệt căn bản. Đó là cái phong thái (style) của hai sứ mạng, cái lý tưởng chính trị (philosophy) của hai nhà lãnh đạo quốc gia này. Những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tái tạo Nhật Bản, T.T. Truman, Đại Tưóng MacArthur, là những người đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của những giá trị của chính sách New Deal nêu lên bởi T.T. Franklin D. Rơsevelt. Chính sách hay lý tưởng chánh trị của ông T.T. Dân Chủ ba nhiệm kỳ này mang một tính cách nhân bản, phản ánh những lý tưởng cố hữu của Hoa Kỳ như dân chủ, tự do. Đại Tướng MacArthur, mặc dầu là một đảng viên Cộng Hòa, đã có những quyết định tiến bộ, không bảo thủ, rộng rãi, cấp tiến đem nhiều lợi lạc đến cho dân Nhật. Đại Tướng MacArthur muốn xây dựng cho Nhật một chính thể dân chủ theo mẫu mực Hoa Kỳ. Đối với chính phủ của T.T. Bush, theo nhận xét của những quan sát viên phân tách gia chính trị, chính quyền này không quan tâm nhiều đến phúc lợi của người dân Irắc. Họ không chú tâm đến việc xây dựng Irắc thành một quốc gia tự do dân chủ mà chỉ muốn Irắc có một chính thể tự do thị trường. Họ muốn làm cho Irắc có một chế độ chính trị và xã hội rất bảo thủ nhưng được mở rộng thị trường cho các đầu tư quốc tế, mà Hoa Kỳ đang đóng vai trò lãnh đạo.
T.T.Bush đã nói rõ cho nhân dân Irắc và thế giới biết cái tầm nhìn xa (vision) của mình là Hoa Kỳ sẽ đem lại tự do và thịnh vượng cho Irắc, để quốc gia này sẽ làm mẫu mực cho các quốc gia khác trong vùng, hầu đem lại hòa bình cho Trung Đông, một vùng đất sôi sục máu lửa, hận thù, từ bao năm nay, giữa người Do Thái và người Ả Rập Palestine.
Hòa bình Trung Đông và chung sống hài hòa giữa Do Thái và Palestine qua ngả Irắc thịnh vượng với tự do thị trường? Hay ngả ngược lại, hòa bình Do Thái/Palestine dẫn tới yên ổn cả vùng Trung Đông, đem lại Irắc thịnh vượng trong tự do thị trường? Lối nào, “road map” nào là phải, là nên? Nhưng đó lại là một vấn đề khác.
(1) Khi còn là một ứng cử viên tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ, ông George W. Bush đã cực lực công kích chủ trương Hoa kỳ phải trợ giúp các quốc gia bị tàn phá tái tạo lại, của cựu Tổng Thống Bill Clinton. (2) Kể từ ngày 1 tháng 5, ngày mà T.T. Bush tuyên bố cuộc hành quân Irắc chấm dứt, đến ngày 15 tháng 6 đã có trên 40 tử thương cho quân đội chiếm đóng. (3) Sử gia Kevin Patterson đã viết trong tờ Washington Post: “Trong tâm tư của những người À Rập theo chủ nghĩa quốc gia, các quyết định trên phản ánh ý muốn của Anh Quốc nhằm tạo ra một quốc gia Irắc bất ổn định trong một cách thức tự nhiên, không có truyền thống lịch sử, và ép buộc ba nhóm người mâu thuẫn nhau phải sống chung với nhau. Vì vậy Irắc sẽ không bao giờ hùng mạnh và thống nhất được, và sẽ bị người ngoại quốc khống chế một cách dễ dàng” – trích từ bài “Irắc, Khói lửa triền miên”, Phạm Văn Bân. (4) Tin này, được các hãng thông tấn ngoại quốc loan tải, trong nhiều tuần kễ đầu mà đã không được loan ra tại Hoa Kỳ, có lẽ vì lòng ái quốc quá cao của những người làm thông tấn Hoa Kỳ. Các hãng thông tấn Hoa Kỳ đã bị người Anh chê là đã rất thiên vị trong khi làm phóng sự chiến trường Irắc. Ông Greg Dyke, Tổng Giám Ðốc đài BBC đã tỏ ra rất ngạc nhiên và kinh hoàng (surprise and shocked) trước giọng điệu thiên vị của các hãng thông tấn lớn truyền hình và truyền thanh của Hoa Kỳ khi làm phóng sự chiến trường Irắc. Ông cho rằng, từ ngày có biến đông 9/11 “các nhà làm thông tấn Hoa Kỳ đã quấn cờ Hoa Kỳ vào người” và đã lẫn lộn tinh thần khách quan vô tư của người làm thông tấn với lòng nhiệt thành thiên vị của người ái quốc. Các hãng thông tấn lớn như NBC, Fox News từ chối bình luận về lời tố giác của ông Dyke. Riêng đài phát thanh Clear Channels thì cải chính tin đài BBC cho rằng đài đã tổ chức những cuộc xuống đường để ủng hộ chiến tranh. Nhưng đài công nhận đã có và chỉ có một cá nhân phát ngôn viên của đài đã khuyến khích mọi người xuống đường mà thôi. Nhưng đó không phải là chủ trương của đài. (Tháng 6 năm 2003)
|