Ông NGUYỄN TỪ THIỆN (nhiều người viết) ![]() Ông NGUYỄN TỪ THIỆN, cựu Giám đốc NHKDS ![]() Viết Về Một Người Bạn Nguyễn văn Phác Tháng Hai năm 2002 Ông Nguyễn Từ Thiện không phải là một người bạn thân của tôi, theo cái nghĩa thông thường của nó. Chúng tôi không phảI là đôi bạn thâm giao tự thuở thiếu thời, hay là bạn đồng song cùng học một trường trung tiểu học, để có thể có những thân tình suồng sã thường thấy nơi hai người bạn cố tri. Lần đầu tiên khi tôi được biết ông, là trong khung cảnh trang nghiêm của một cơ quan công quyền, thì lúc đó, ông đã có một địa vị quan trọng trong cơ quan ấy rồi, mà khi ấy tôi là kẻ mới đến. Tôi đã hiểu ngay là tôi phải giữ một khoảng cách lễ độ của một mối tương quan có trên có dưới Tuy nhiên, khoảng cách ấy đã mau chóng tan biến sau khi chúng tôi gặp nhau, biết nhau nhiều hơn. Sau khi chúng tôi đã trao đổi với nhau những kỷ niệm về trường Cao Đẳng Công Chánh mà chúng tôi đã cùng học ít năm (ông Thiện học trên tôi hai niên khóa), những quan hoài về biết bao công vịệc phải làm lúc đó, khi người Pháp vừa mới chuyển giao trách nhiệm cơ quan lại cho Việt Nam. Chúng tôi cũng đã mau chóng đổi với nhau thân mật hơn, anh tôi như hai người bạn. Tính tình vui vẻ, cởi mở của anh, chẳng cứ riêng gì đối với tôi, tất nhiên đã gíup rất nhiều cho sự phát triển mốI tương quan này. Nhưng tựu trung, cái thế giới của chúng tôi vẫn chỉ hạn hẹp trong khuôn khổ của tình đồng sự, cùng làm việc vớI nhau trong một cơ quan, gặp nhau 8 tiếng một ngày, là nhiều. Cho đến khi vận nước thay đổi, chuyển mình với tất cả những đớn đau của những người thế cô, những ngườI yếu kém, những lo âu cho một viễn ảnh không mấy sáng sủa của tiền đồ tổ quốc, tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với anh hơn, trong một khuôn khổ rộng rãi hơn, ngoài khuôn khổ của một cơ quan công quyền tương đối nhỏ bé, trong những giờ oái oăm của một ngày, để trao đổI ý kiến, bàn bạc, thực hiện những chuyện, nhiều khi là những chuyện không đâu, của những ngườI bị áp bức. Đứng bên cạnh anh, sát cánh hoạt động với anh chống lạI những áp lực của quyền thế, tôi mới biết rõ anh hơn, cảm phục anh hơn. Anh không phảI là một người sợ quyền thế, xu phụng kẻ trên, chà đạp kẻ dưới, ham quyền cố vị, mà người ta đã thấy rất nhiều thời ấy. Không những thế, anh còn là một người của những kẻ yếu kém, những người nhìn lên một cách thản nhiên, nhưng biết nhìn xuống với một tâm hồn mở rộng, xót xa cho những nỗI khổ đau của kẻ thiệt thòi. Sau đó, có nhiều dịp trông thấy anh cặm cụi miệt mài ra tay tế độ châm cứu không công cho những người không quen biết, tôi lại tin chắc rằng anh đã có một cái nghiệp, cái nghiệp của những kẻ sinh ra trong một gia đình trưởng giả, có địa vị trưởng giả để làm một trưởng giả cao sang, nhưng sẵn sàng đến những chốn thương đau, những kẻ yếu kém để tìm cách xoa dịu, an ủi. Anh đã đi vào con đường của nhiểu bậc vương giả trước đây, coi giầu sang, phú quý, quyền thế, danh vọng như đôi giầy rách, để trở thành một đầu đà lang thang, giúp mọi người ra thoát cảnh khổ đau. Chính ở đây, tôi nghĩ, anh Thiện đã là một người bạn thân của tôi, hiểu theo nghĩa người cùng chí hướng, cùng tìm thấy một chỗ đứng, một góc cạnh để nhìn vào cuộc đời. Nay thì người bạn thân của tôi đã mất. Anh đã ra đi – như một người bạn đã cho biết - một cách thanh thản, nhanh chóng, với một cái nghiệp nhẹ gánh của một người từng làm nhiều điều lành và tránh làm những điều ác. Buồn cho mình vì đã mất đi một người thân - cũng giống như nhiều người bạn khác của anh, còn nhìều dính mắc với thân phận con người - nhưng cũng mừng cho anh, đã thênh thang nhẹ gánh đi về nơi an tịnh, trong sáng miền Cực Lạc. Ô hô! Buồn thay! mà cũng Mừng thay!
Nguyễn Đảm Bạch Nhận được tin ông Nguyễn từ Thiện qua đời vào ngày 31 tháng 1 năm 2002 tôi không đỗi sửng sốt. Mới đầu tháng 12 năm ngoái (2001) vừa nghe anh Đoàn Trần Nghị thuật chuyện tang lễ của ông Nguyễn mạnh Cung, có ông Thiện tham dự, đọc điếu văn và tụng kinh cho linh hồn người quá cố được siêu thoát. Nay đến việc ông Thiện ra đi, tuy nhẹ nhàng và thanh thản, không ngăn được sự bùi ngùi và xúc động, cho những người biết ông cả gần nửa thế kỷ nay. Đề tưởng nhớ vong linh người quá cố, tôi xin được thắp một nén nhang, hồi tưởng lại những ngày tôi được quen biết ông, làm việc dưới ông mấy cấp trách nhiệm. Sự quan tâm của ông đối với tôi đã xoay chuyển cuộc sống cá nhân của tôi như thế nào. Thời điểm là năm 1965. Tôi nhớ rõ năm vì đó là năm tôi lấy vợ. Hồi đó tôi đang làm trưởng phiên tại Đài Kiểm soát Không lưu phi trường Tân Sơn Nhất dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông Nguyễn mạnh Cung. Ông Thiện, kế nhiệm cụ Nguyễn Hữu Vĩnh, Giám đốc Nha HKDS. Trụ sở của Nha hồi đó còn nằm trên đường Hiền Vương, Saigon. Một hôm, đang làm việc trên Đài, ông Cung gọi điện thoại nói với tôi: Ông Giám Đốc muốn gập cậu trên Nha. Ông Cung gọi tất cả chúng tôi là “CẬU”. Danh xưng này, vừa có nghĩa thân thiết, vừa có nghĩa trên dưới. Ngày hôm sau, tôi lên gập ông Giám Đốc, phân vân không biết chuyện gì. Ông Thiện niềm nở tiếp tôi tại văn phòng. Ông cho biết là bên Không quân sẽ trao trả toàn bộ phi trường quân sự Đà Nẵng cho Nha quản trị và khai thác và ông muốn bộ nhiệm tôi làm chỉ huy trường phi trường. Tôi sửng sốt và cảm động. Sửng sốt vì bất ngờ. Cảm động vì thấy cấp trên nhận diện ra khả năng của mình. Ông bảo tôi là hãy về nhà suy nghĩ, bàn tính và cho ông biết quyết định trong một vài ngày. Tôi nghe lời ông ra về. Đây là lần thứ hai tôi được Giám đốc Nha đề bạt vào một trọng trách vượt quá khả năng của một người kiểm soát viên không lưu như tôi. Lần đầu tiên xẩy ra vào năm 1958, lúc tôi mới tròn 22 tuổi đầu, hai năm sau khi chập chững bước chân vào ngành kiểm soát không lưu. Năm đó, cụ Nguyễn Hữu Vĩnh (hiện cụ đang ở Canada), vị Giám đốc người Việt đầu tiên của Nha HKDS, đã đề cử tôi, từ Trưởng Phiên Đài Kiểm soát Không lưu Tân Sơn Nhất, ra Huế đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng phi trường Phủ Bài (1958-1961). Ba năm ở Huế, tôi đã học hỏi được khá nhiều về ngoại giao, về cách cư xử với kẻ trên người dưới, cách thưởng phạt… toàn là những môn Trường Huấn Luyện Kiểm soát Không lưu không có giậy. Đúng là cờ tới tay ai, người đó phất. Sau khi gập ông Thiện ở Nha, trên đường về nhà, trong lòng tôi rất mung lung. Tôi không biết là mình nên nhận hay từ chối sự đề bạt của ông Giám đốc mà tôi chỉ biết mà không quen thân. Tôi nhận thức được đây là cơ hội thăng tiến trong nghề của mình. Vào thời điểm đó (1965), phi trường Đà nẵng là phi trường lớn nhất ở miền Trung và là phi trường đứng sau có phi trường Tân sơn nhất, phi trưởng lớn nhất trong nước. Nhận hay không nhận? Câu hỏi này đã theo tôi trong mấy ngày liền cả lúc thức lẫn lúc ngủ. Hồi đó, tôi đang học năm thứ nhất trường Đại học Luật khoa. Học thêm ngoài giờ đi làm ở dưới phi trường. Tôi cũng mới quen biết một người bạn gái đi giậy học ở bên tỉnh Gia Định. Chúng tôi quen nhau khá thân nhưng chưa hề bàn đến chuyện hôn nhân. Nếu tôi nhận lời đi Đà Nẵng, chắc là tôi sẽ phải bỏ dở việc học thêm vì ngoài Đà nẵng vào thời gian đó không có trường Đại Học. Tôi cũng sẽ phải xa người bạn gái mới quen biết nhưng hợp tính tình và chung một hoàn cảnh. Chúng tôi phải bỏ dở việc học rất sớm vì hoàn cảnh gia đình. Ra đi làm sớm để cấp dưỡng cho gia đình: tôi năm 17 tuổi, người bạn gái năm 18 tuổi. Sau mấy ngày xuy tính tôi quyết định từ chối sự đề bạt của ông Giám đốc. Tôi lên gập ông Thiện trên Nha để cám ơn ông về sự tín nhiệm của ông đối với tôi và đưa ra hai lý do đề từ chối: thứ nhất là tôi muốn tiếp tục việc học luật để cầu tiến, thứ hai là tôi mới quen biết người bạn gái và có ý định tiến tới hôn nhân với người này. (tôi phải nói quá lời về dự tính hôn nhân vì thực sự lúc đó tôi chưa có ý định lập gia đình). Do đó, việc thuyên chuyển đi Đà Nẵng, tuy có giá trị lớn lao đối với việc thăng tiến nghề nghiệp nhưng chắc chắn sẽ gây xáo trộn không nhỏ cho những dự định tương lai của tôi. Ông Thiện ghi nhận sự từ chối của tôi nhưng vẫn tìm cách thuyết phục để tôi đổi ý. Ông nói: Bạch vừa đi làm mà chịu khó đi học thêm như thế là người có chí. Nhưng học thêm để thăng tiến nghề nghiệp mà việc ra Đà Nẵng là một bước tiến nhẩy vọt trong nghề. Còn việc lập gia đình thì ông nói với tôi như thế này: Bạch lập gia đình xong rồi mới đi Đà Nẵng vì việc chuyển giao phi trường Đà Nẵng hiện chưa ngã ngũ, đang được thảo luận giữa Bộ Giao Thông Công Chánh và Bộ Quốc Phòng. Riêng việc đi giậy học của người bạn gái, ông Thiện có bảo đảm với tôi là ông sẽ liên lạc với Bộ Giáo dục để việc thuyên chuyển nhiệm sở của người bạn gái ra Đà Nẵng và sau này về trở lại Gia Định dễ dàng nếu tôi quyết định không ở lại Đà Nẵng sau nhiệm kỳ 3 năm. Thấy ông Thiện chí tình như thế, tôi thật xúc động. Tôi xin phép ông Thiện cho tôi thêm hai ngày nữa để thuyết phục người bạn gái. Chúng tôi quyết định thành hôn trước khi đi Đà Nẵng. Quyết định này khiến cả hai gia đình đều ngạc nhiên. Mấy bà chị nói với nhau là cô chú ấy chắc có chuyện gì rồi mới lo làm đám cưới sớm như thế. Mọi người đều tin rằng việc tôi di chuyển ra Đà Nẵng chỉ là lý do phụ. Lý do chính là tôi muốn lấy vợ. Đám cưới của chúng tôi xẩy ra vào tháng 7 năm 1965, hơn một tháng sau khi tôi trả lời ông Giám Đốc là tôi chấp thuận đi Đà Nẵng trong trách nhiệm mới. Ông Nguyễn mạnh Cung đã có nhã ý đích thân lái xe của ông chở tôi đi đón dâu. Anh Nguyễn Đình Cung (nay đã thành người thiên cổ) đã chở cặp vợ chồng mới ra phi trường đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật. Chín tháng sau (tháng tư năm 1966), đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời. Sự kiện này đã đánh tan được giả thuyết là “cô chú ấy chắc có chuyện gì rồi mới lo làm đám cưới sớm như thế” Khoảng hơn một tháng sau đám cưới, ông Thiện gọi tôi lên văn phòng báo tin là bên Không Quân họ thay đổi ý kiến: không trao phi trường Đà Nẵng cho Nha HKDS như đã dự kiến. Do đó việc thuyên chuyển đi Đà Nẵng của tôi nay không còn cần thiết nữa. Lúc đó, tôi muốn bắt đền ông Thiện quá. Sau giai đoạn này, tôi chẳng có dịp gập riêng ông Thiện để cám ơn ông đã gián tiếp sắp xếp cho chúng tôi thành vợ thành chồng. Thấm thoát chúng tôi đã chung sống hạnh phúc với nhau được 37 năm, có với nhau 3 mặt con, cháu nhỏ nhất nay cũng 30 tuổi. Cuộc đời trôi nổi, bao nhiêu nước chẩy qua cầu. Ông Thiện chắc không biết chuyện này. Nhiều người bạn thân của tôi cũng không biết, trong gia đình cũng ít người biết vì chúng tôi không hề nói ra. Nay ông đã ra người thiên cổ, tôi chẳng còn cơ hội gập lại ông trên thế gian. Có chăng, sẽ gập lại nhau ở một thế giới mà hiện ông đã có mặt. Xin thắp một nén nhang kính cẩn hướng về thế giới đó, cầu xin ông tiêu diêu miền cực lạc. Viết tại California, một đêm buồn tênh cuộc đời.
Hình ảnh do anh Ðoàn Trần Nghị gửi ![]() ![]() ![]() ![]() |