Nha^n & Qua?
Nhân và Quả

Wisdom is the intuitive knowledge of the mind of love and clarity that lies beneath one’s ego-driven anxieties and aggression
Gary Snyder

Ðào Viên

 

Ngày 11 tháng 9, năm 2001, một biến cố lịch sử đã xẩy ra tại Hoa Kỳ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước này, ngoại nhân đã đem chiến tranh vào nước Mỹ. Hơn thế nữa, vào giữa thành phố lớn nhất, đông dân nhất xứ này, vào ngay trung tâm tài chánh lớn nhất thế giới, trọng tâm của nền Tư Bản Toàn Cầu, vào hai tòa nhà chọc trời, biểu tượng cho sức mạnh và lòng kiêu hãnh của nước này. Trước đó, chiến tranh đã chỉ được người Mỹ đem đến cho các nước khác, đổ lên đầu các dân tộc khác.

Hình ảnh sống động hai tòa nhà cao ngất trời bùng cháy, khói đen cuồn cuộn phun ra, lửa đỏ bừng bừng leo lên nhiều từng, với một, không phải, hai, ba, bốn, còn nữa, nữa, người nhẩy ra khỏi cửa sổ từ những tầng cao tuốt luốt, để tránh cái chết của Hỏa Ngục mà rớt vào cái chết của Tan tành Thăm thẳm, đã làm bàng hoàng, rùng mình sởn gáy rất nhiều người theo rỏi, giữa ban ngày, trên màn ảnh vô tuyến truyền hình khắp thế giới. Sự sụp đổ, nhanh chóng nhưng chậm chạp một cách khủng khiếp, không thể cưỡng lại được, của hai tòa nhà khổng lồ, sắt thép, bê tông, sáng chưng đèn điện, để trở thành cát bụi, làm mờ mịt cả một vùng trời rộng lớn của Manhattan, đã làm cho nhiều người sống sót, kinh hoàng chạy chốn, trở thành những Ngũ Tử Tư(1) tức thời, khi nhìn vào gương thấy tóc mình đã bạc trắng... vì bụi.

Người Mỹ nói chung, kể cả nhiều người Mỹ mà gốc không phải là người Âu Châu, đã từ hốt hoảng, sợ sệt, bàng hoàng, kinh ngạc, không tin, trở thành giận dữ, cáu kỉnh, oán ghét, thù hận. Ðiều này rất dễ hiểu khi đã có cả bốn ngàn người vô tội chết, chết một cách oan uổng, chết bất đắc kỳ tử, chết vội chết vàng, chết không ngậm cười, chết không nhắm mắt, chết đầy kinh hoàng sợ sệt, ngay trước mắt mọi người. Khi người chết lại là vợ, là chồng, là con, là cháu, là người yêu, người thân, người quen, người bạn đồng nghiệp, người cùng mầu da, người cùng chủng tộc, người cùng tín ngưỡng, người cùng xứ sở, người cùng quốc tịch. Nhất là khi những kẻ phạm pháp, những tên khủng bố, những đứa giết người lại là một lũ ngoại nhân, lạc hậu, vô tên vô tuổi, hèn nhát, một lũ điên khùng, một đám evils (tạm dịch là quỷ dữ), cuồng tín, thuộc một dân tộc, những bộ lạc không được đáng xếp vào hàng các nước văn minh tiến bộ mà đáng phải lưu tâm tới. Những tình cảm căm giận, oán thù sôi lên, gào lên, đòi hỏi phải có một sự trừng phạt, một sự trả thù đích đáng, thật nhanh, thật mạnh, không nhân nhượng, không thương sót.

Nhưng cũng có nhiều người trên thế giới, hay ngay cả trên nước Mỹ này, sau trận kinh hoàng khủng khiếp ban đầu, sau những tình cảm xót thương cho những kẻ xấu số, cho những gia đình, những thân nhân của người bạc mệnh, đã không để cho niềm xúc động đi xa như vậy.

Họ có thể đã là những chứng nhân, hay cũng có thể chính là những nạn nhân sống sót, của những tàn phá, giết chóc tàn bạo khủng khiếp của những trận chiến tranh, vì bất cứ lý do gì, quyền lợi quốc gia dân tộc hay lý tưởng nhân sinh xã hội, đúng hay sai, có chánh nghĩa hay chỉ là phản loạn, tuỳ theo vị trí đứng nhìn. Trong những cuộc chiến này, số người dân vô tội, bị tàn sát, kể cả đàn bà trẻ con - những người xấu số đã được nguời ta gọi bằng một mỹ từ, rất thản nhiên, thật lạnh lùng, là những thiệt hại ngoại vi bàng tiếp, thay vì là sinh mạng con người - có khi còn to lớn hơn rất nhiều. Hình ảnh cả một đô thị, một châu thành, một thị trấn, một làng nhỏ tan tành xơ xác, thây người tan tác, ngổn ngang, nhà cửa tan hoang bùng cháy từng hàng, sặc mùi tử khí, vẫn còn phảng phất trong tâm khảm nhiều người, từ Hiroshima, Nagasaki, Nam Kinh, đồng bằng sông Cửu Long, Cao nguyên Trung Phần, Mỹ Lai, Bá Linh, Stalingrad...Họ cũng có thể đã có những "người yêu nằm chết bên khe, chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng, chết thật lạnh lùng, mình cháy như than"; không kém thảm thiết, không kém ghê rợn. Ðối với những người này, hình ảnh của sự chết chóc chỉ đem lại thêm buồn bã trước những mong manh của kiếp sống, trước những tàn bạo, những vô lý, vô tâm, hay vô minh của con người.

Cũng có nhiều người trên thế giới, hay ngay cả trên nước Mỹ này, đã có những ý nghĩ thực tế hơn. Họ muốn nhìn sâu vào sự việc. Họ biết rằng chẳng có chuyện gì tự nhiên mà có. Họ muốn hiểu tại sao chuyện này lại có thể đã xẩy ra ? Những tên khủng bố là hạng người thế nào mà dám làm một công việc như vậy ? Vì lý do gì mà bọn họ lại đã dám xả thân liều chết, một cái chết thảm khốc, để làm việc đó, đem theo cái chết của cả ngàn người dân vô tội, cả ngàn thiệt hại ngoại vi bàng tiếp ? Cái gì đã thúc đẩy ho thản nhiênï bước vào chỗ chết, bỏ cả mạng sống, hy sinh tính mạng để làm việc này ? Nước Mỹ hay chính phủ Mỹ đã làm gì để mà có thể bị nhiều người thù ghét đến vậy ?

Từ trước đến nay, dư luận phần đông người dân Hoa Kỳ, được uốn nắn bởi giới truyền thông Mỹ - một ảnh hưởng rất lớn trong hướng đi và tương lai của nước xứ này - vẫn nghĩ và tin rằng hành động khủng bố như trên chỉ có thể do một bọn Ả Rập quá khích theo đạo Islam(2) gây ra. Bọn này là những tên dốt nát, ít học, thuộc thành phần thấp kém trong xã hội các nước Ả Rập, rất sùng đạo, nghe lời xúi bẩy của mấy ông đạo sĩ, mullah , sheik thù ghét nước Mỹ vì văn hóa Tây Âu, đại diện bởi nước Mỹ, đã làm hư hỏng xã hội theo đạo Islam, một tôn giáo bộ lạc, khắt khe, thiếu bao dung cởi mở.

Dư luận này, không phải là không có lý, khi người ta thấy trong mấy thập niên gần đây, khi vùng Trung Ðông vẫn sôi sục vì cuộc chiến giữa Do Thái và dân Palestine, rất nhiều người Ả Rập, nói rỏ hơn là người Palestine, đã liều chết, đeo bom vào người, giết hại người dân Do Thái. Nếu hiểu khủng bố là giết người, mặc dầu biết là người bị giết chỉ là những thường dân vô tội mà vẫn cứ làm, cốt để hăm dọa, khống chế bên địch, thì những hành động của những người Ả Rập đó đúng là những hành động khủng bố. Nhìn kỹ thì người ta thấy hành động khủng bố này cũng đã từng xẩy ra không ít tại nhiều nơi, tại Ái Nhĩ Lan (Ireland), Nam Tư Lạp Phu (Yugoslavia), trong những cuộc chiến tranh cách đây không lâu, do các nước văn minh đem đến các quốc gia nhược tiểu, khi người ta thấy rằng nếu không diệt được hết bên địch thì phải làm cho nó sợ, nhất là khi bọn này lại không phải là cùng giòng cùng giống với mình. Nói cho ngay, những vụ khủng bố như trên hãn hữu mới xẩy ra. Nhắc lại như vậy, chỉ để nói lên rằng hành động khủng bố đã được nhiều người dùng, không chỉ riêng người Ả Rập Islam, và chỉ dùng một cách đối đế, khi bị dồn vào đường cùng, không thấy còn có cách nào khác hơn để chống lại bên địch, nhiều khi phải hy sinh mạng sống của chính mình.

Tầm vóc của sự khủng bố, ý nghĩa của sự tàn phá, ảnh hưởng chính trị của hành động chiến tranh này, cũng như số lượng và chất lượng của đám khủng bố đã làm nhiều người Hoa Kỳ, nhất là những người thuộc giới lãnh đạo, sửng sốt ngạc nhiên, phải xét lại những nhận định của mình, đối với người Ả Rập, đối với đạo Islam, đối với cuộc chiến ở Trung Ðông giữa người Palestine và dân Do Thái, đối với thái độ và chính sách của Hoa kỳ tại vùng này.

Có phải là giáo lý độc tôn, bất bao dung, có tính cách kỳ thị, bài ngoại, răn bảo tông đồ phải chiến đấu (tiếng Ả Rập là jihah) để bảo vệ đạo pháp, của đạo Islam đã là nguyên nhân thúc đẩy bọn khủng bố làm nên tội ác ? Xét kỹ lại thì Islam không chắc có phải là một tôn giáo xấu như vậy. Ðây không phải là chỗ đề bàn về giáo lý của tôn giáo này, nhưng nếu dựa vào lịch sử thì trong ba tôn giáo độc thần của vùng này: Thiên Chúa giáo, Islam và Judaism của người Do Thái, thì Islam không phải là tôn giáo đã có thành tích tôn trọng mạng sống của con người đáng chê nhất. Ngoài ra còn có một điều đáng chú ý nữa là hiềm khích giữa cả ba tôn giáo lớn độc thần này - không phải chỉ riêng Islam với hai tôn giáo kia - vẫn còn âm ỷ suốt chiều dài lịch sử của miền Trung Ðông. Mà hòa đồng tôn giáo chỉ có thể tìm thấy trên đại lộ Bao Dung có hai chiều. Như vậy thì bất bao dung không phải chỉ là đặc tính riêng của đạo Islam.

Vậy thì động lực nào đã thúc đẩy những kẻ khủng bố gây ra những tàn ác trên ? Nguyên nhân của sự xung đột này không phải là có từ chính trị, - mặc dầu kết quả chính trị rất lớn lao - bởi lẽ đã không có một quốc gia nào tuyên chiến hay gây hấn với nước Mỹ cả. Nguyên nhân này đã phải bắt nguồn từ một bình diện sâu xa hơn, bình diện văn hóa. Bởi vậy, muốn hiểu ta phải nhìn sâu vào lịch sử và văn hóa của miền Trung Ðông.

Cả một miền Trung Ðông, mới khoảng một trăm năm trước đây là một Ðế Quốc Islam rộng lớn, mệnh danh là Ðế Quốc Ottoman (3) của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ðế quốc này, thành lập khoảng năm 1300, cực thịnh dưới triều đại Sultan Suleiman (khoảng 1500) đã bành trướng từ đông (Iran, Iraq, Ả Rập, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ) sang tây (Hy Lạp, Bắc Phi, Albania, Bosnia...), đã có một nền văn minh rất cao và một thời đại huy hoàng. Sang đến đầu thế kỷ thứ 20 thì Ðế Quốc Anh đã nổi lên, lấn áp cả miền Trung Ðông, khiến Ðế Quốc Ottoman chỉ còn là một bóng mờ. Sau Ðệ Nhất Thế Chiến, Thổ Nhĩ kỳ đã bị hai nước thắng trận là Ðế Quốc Anh và Ðế Quốc Pháp trừng phạt vì đã ủng hộ nước Ðức trong cuộc thế chiến. Ðế Quốc Thổ bị người Anh và người Pháp chia năm sẻ bẩy ra thành nhiều nước nhỏ, lấy cớ có nhiều chủng tộc hoặc bộ lạc khác nhau, mà đặt dưới sự bảo hộ hay vòng ảnh hưởng của mình như Syrie, Liban, Iraq, Ai Cập, Palestine, Ả Rập Seoudite, Quatar, Yemen....trong chánh sách chia để mà trị. Sự khống chế của các nước Ðế Quốc Anh Pháp trên các nước bảo hộ khi đó là một chánh sách đế quốc cổ điển dựa vào sức mạnh chính trị và quân sự.

Có điều đáng lưu ý là đạo Islam không phải chỉ là một tôn giáo đơn thuần như các tôn giáo khác. Với kinh Koran trong đó nhiều tập tục, phép cư xử của người Muslim (là những người theo đạo Islam) được quy định và trở thành thiêng liêng, thì tôn giáo này chính cũng là lối sống của xã hội Islam, của người Muslim. Kinh Koran lại được viết bằng tiếng Ả Rập, cho nên tất cả những người Muslim trong vùng này đều có một mẫu số chung là đạo Islam và tiếng Ả Rập, mặc dầu họ thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Bởi vậy người Muslim không quan tâm mấy đến giòng giống, đến quốc gia, đến tổ quốc như các dân tộc khác. Họ tìm nguồn gốc, tìm đến bản lai diện mục của họ trong đạo Islam, qua kinh Koran, trong tiếng Ả Rập, trong văn minh Ả Rập. Họ nhìn thấy họ là người Muslim trước hết, rồi mới nghĩ đến họ cũng là người Ai Cập, hay Thổ, hay Syrian. Thế cho nên sự áp bức xâu xé nước Thổ Nhĩ Kỳ của các Ðế Quốc Anh và Pháp không được người Muslim trong vùng coi là một vấn đề riêng, số phận của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ mà họ cũng còn cảm thấy đó là sự khống chế của Tây Âu đối với người Muslim. Cảm nhận này không phải chỉ có trong lớp người Muslim bình dân đơn giản sùng tín mà còn thấy trong hàng ngũ trí thức, rất quen thuộc và hiểu biết văn hóa Âu Mỹ (4).

Tình trạng ấy kéo dài cho đến khi có Ðệ Nhị Thế Chiến xẩy ra. Thế lực của Anh và Pháp giảm đi vì vai trò của Mỹ trong cuộc thế chiến. Hoa Kỳ với một đất đai rộng lớn, chưa khai thác hết, tiềm năng dư thừa, không cần đến thuộc địa như Anh và Pháp. Nhưng với một nền kinh tế rồi rào, một nền công kỹ nghệ mạnh mẽ, Hoa Kỳ cần thị trường để khuyếch trương nền tư bản, mà tư bản chính là huyết mạch của sự sống còn của xứ này. Ngưới Mỹ đã thay thế người Anh và người Pháp giữ gìn trật tự thế giới với một chính sách đế quốc mới mẻ hơn. Họ gây áp lực vào các quốc gia khác một cách gián tiếp, qua những lảnh tụ mà họ đặt lên hoặc khống chế các quốc gia ấy qua những biện pháp trừng phạt kinh tế tai hại cho nước ấy. Người ta đã thấy rất rõ rệt chính sách này tại nhiều nước ở Nam và Trung Mỹ. Người Mỹ đã trực tiếp can thiệp vào nội bộ các nước trong vùng (Chile, Panama, Nicaragua, Granada, Santo Domingo...), hoăc ủng hộ các chính phủ quân nhân tàn bạo (Argentina, Chile, Peru...), để quyền lợi của Mỹ được bảo đảm. Nước Cuba, một nước trong vùng dám đương đầu với Mỹ, đã bị Mỹ khống chế bằng chính sách phong tỏa kinh tế, trở nên khốn đốn. Nước Mỹ phong tỏa Cuba không phải vì lý tưởng chánh trị hay bởi thành tích tôn trọng nhân quyền quá tệ của nước này, như các chính trị gia Mỹ vẫn tuyên bố. Bởi vì trong khi ấy, Mỹ đã rất thân thiện với Trung Cộng, một nước khổng lồ cộng sản như Cuba, với thành tích nhân quyền không hơn gì. Từ trước đến nay, người Mỹ đã chỉ dùng cái nhãn bảo vệ nhân quyền như là một cái cớ (pretext) để giải thích những hành động xâm lược hay bất thân thiện của mình. Thực sự, họ không quan tâm gì đến nhân quyền ở các nước khác khi quyền lợi của Mỹ ở đó không bị sứt mẻ. Một chính trị gia lỗi lạc của thế kỷ, ông Henry Kissinger đã viết: "Giữa các quốc gia, không có cái gì gọi là tình hữu nghị mà chỉ có quyền lợi ".

Chính sách thực tiễn (realpolitik) trong đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, lấy quyền lợi đặt trên những giá trị tinh thần, như lý tưởng, hay luân thường đạo lý, dường như đã phản ánh một đặc tánh có thể là tốt, có thể là xấu của Tây Âu. Lý tưởng và quyền lợi nhiều khi không đi đôi mà lại đối nghịch nhau. Sự mâu thuẫn này càng rõ rệt, càng gay cấn khi quyền lợi càng lớn. Ở cương vị cá nhân, còn có thể giải quyết được, với những người có tâm hồn cao thượng, giầu lòng vị tha, bác ái, bao dung. Nhưng khi được đặt trên bình diện quốc gia thì hầu như không có chọn lựa. Hoa kỳ, ngay từ thời lập quốc đã phải đương đầu với nghịch cảnh này trong địa vị ông Thomas Jefferson, vị ông Tổng Thống lập quốc vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. Trong khi ông chủ trương phải giải thể chế độ nô lệ, trong khi ông nói với người Pháp phải để cho những người nô lệ da đen được tự do, thì chính ông - một đại điền chủ có rất nhiều nô lệ da đen, khoảng 200 - đã không trả tự do cho một người nô lệ nào. Ông nghĩ, thực tế ra thì giải phóng nô lệ là một điều hay, phải làm, nhưng làm thì sẽ rất bất lợi cho quốc gia, cũng như cho chính ông (khi đó ông đang bị khó khăn về tài chánh).

Song song với những áp lực chính trị và kinh tế, những xâm nhập văn hóa cũng đi theo. Ðây là một nền văn hóa rất sung mãn, sáng chói, trong đó ngoài những giá trị nghệ thuật lớn lao, những giá trị của tiện nghi và hưởng thụ vật chất đã được đặt rất cao, rất thích hợp với một nền kinh tế tiêu thụ (consumerism). Ðiều này, khốn thay, nhiều khi lại xung khắc với nhiều giá trị của Islam, với những giáo huấn trong kinh Koran. Nền văn hóa này lại được hậu thuẫn bởi những thế lực tư bản rất mạnh. Cưỡng lại áp lực văn hóa này không phải là dễ.

Ở Trung Ðông, người Muslim đã nhìn thấy chính sách ấy. Khi người Ai Cập, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nasser, tìm cách dành lại chủ quyền trên kinh đào Suez, tự tay người Pháp và người Anh thì họ đã không được sự ủng hộ của Mỹ, vì quyền lợi của Mỹ đi đôi với quyền lợi của Anh và Pháp, cũng là hai nước tư bản. Họ đã phải dựa vào Nga Sô mới dám đương đầu với Anh Pháp. Khi cuộc chiến giữa Do Thái, được Mỹ hết lòng tài trợ, với các nước Ả Rập xẩy ra, với kết quả là sự thảm bại của người Ả Rập, thì người Muslim càng cảm thấy thua thiệt. Sau đó, sự bành trướng của người Do Thái, hậu thuẫn bởi sức mạnh quân sự vẫn với sự ủng hộ triệt để của Mỹ, nhiều khi chống lại tất cả Liên Hiệp Quốc - trên mảnh đất chật hẹp của dân Palestine đã làm cho người Muslim thất vọng hoàn toàn. Người dân Palestine, hay người Muslim, có lẽ đã cảm thấy họ có liều chết đến đâu chăng nữa trong cuộc chiến với Do Thái cũng không thể lấy lại những đất đai đã mất vào tay người Do Thái, nếu Do Thái còn được người Mỹ bảo trợ.

Sự nghi kị giữa người Muslim với Hoa Kỳ có thể là đã có mầm mống từ một cuộc đụng độ giữa hai nền văn hóa: văn hóa Tây Âu, dựa trên Thiên Chúa Giáo và Do Thái giáo (Judeo-Christian) và văn hóa Ả Rập dựa trên đạo Islam. Những quyết định chính trị của người Anh, người Pháp cách đây cả trăm năm, rồi sau đó của người Mỹ tại Trung Ðông, phản ảnh cái nhìn của Tây Âu về những giá trị Islam đối với quyền lợi của Tây Âu, đã có những âm hưởng sâu rộng và lâu dài không ngờ. Mâu thuẫn chính trị và văn hóa này sẽ có xu hướng gia tăng với đà Toàn Cầu hóa (globalization) trong mọi lãnh vực, trong đó những nền kinh tế sung mãnh của các nước Tây Âu sẽ sung mãnh hơn, làm cho hố khác biệt giữa người có dư thừa với người không có, giữa quốc gia tiến bộ với quốc gia kém mở mang càng thêm lớn rộng. Ðiều này sẽ biến những mâu thuẫn thành những xung đột lớn lao hơn nữa, nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhất là thế giới Âu Mỹ, không chịu lắng nghe những tiếng kêu thảm thiết của kẻ bị chèn ép, những tuyệt vọng của đám người thiệt thòi, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, của phe phái mình. Những hành động chính trị hay quân sự đơn thuần để giải quyết một xung đột văn hóa sẽ không đủ để đem lại một lời giải trường cửu cho vấn đề./.


(1) Ngũ Viên, hiệu là Tử Tư, là con Ngũ Xa, một vị quan đại thần nước Sở, thời Ðông Chu Liệt Quốc. Vua Sở Hùng Vương, nghe kẻ sàm tấu, sau khi giết Ngũ Xa và hai người con, đã truy lùng Ngũ Viên rất gắt, vì biết Viên tài giỏi, có thể gây họa cho mình sau này. Ngũ Viên phải tìm cách chốn sang nước Ngô. Nhưng khi đến biên thùy, Viên thấy hình của mình đã được treo cùng khắp. Sau một đêm thức trắng vì thất vọng và uất hận sẽ không thể trả thù cho cha được, sáng hôm sau, Viên thấy trên đầu tóc bạc đã bạc trắng hết. Nhờ đó, Viên đã có thể thay hình đổi dạng trốn sang nước Ngô một cách yên ổn.

(2) Từ trước đến nay, người Việt Nam vẫn dùng danh từ Hồi Giáo của người Trung Hoa để chỉ tôn giáo này. Danh từ này không được chính xác lắm, bởi lẽ người Trung Hoa lúc đầu đã chỉ dùng danh từ người Hồi để chỉ một dân tộc thiểu số vùng Tân Cương, thuộc lãnh thổ Trung Quốc, theo tôn giáo ấy. Sau đó danh từ Hồi giáo được nới rộng ra để chỉ đạo Islam. Người Muslim Việt Nam muốn gọi tôn giáo của họ là đạo Islam, thay vì là đạo Hồi.

(3) Người ta gọi Ðế Quốc này là Ottoman là từ tên vị lãnh tụ người Thổ là Osman, cũng còn đựợc gọi là Othman. Những người theo ông được gọi là Ottomans.

(4) Ông Edward Said, một người Ả Rập, nhưng theo Thiên Chúa Giáo, khi nói về những học giả Tây Âu, chuyên môn nghiên cứu và viết về Ðông Phương học (trong đó có văn minh Ả Rập), hay là Orientalism, đã viết: The principal dogmas of Orientalism exist in their purest form today in the studies of the Arabs and Islam... One is the absolute and systematic difference between the West, which is rational, developed, humane, superior, and the Orient, which is aberrant, underdeveloped, inferior. Another dogma is that abstractions about the Orient, particularly those bases on texts representing a classical Oriental civilization, are always preferable to direct evidence drawn from modern Oriental realities. A third dogma is the Orient is eternal, uniform, and incapable of defining itself; therefore it assumed that a highly generalized and systematic vocabulary for describing the Orient from a Western standpoint is inevitable and even scientifically objective. A fourth dogma is that the Orient is something to be feared or to be controlled Orientalism 1978.

Ông E. Said, bây giờ sinh sống tại Mỹ, là một công dân Hoa Kỳ.


Ðào Viên
Tháng 12, 2001