TRIẾT LÝ AIKIDO
Sự khác biệt nổi bật giữa Aikido với một số môn phái khác ở chỗ Aikido đã hoàn chỉnh được một hệ thống lý-luận và một nhân sinh quan để chỉ đạo cho kỹ-thuật và ứng dụng cho hành động của môn sinh trong cuộc sống. Tư-duy chính đáng khởi đầu cho hành động chính đáng và theo một phương pháp giải-quyết vấn-đề một cách xây-dụng sẽ phải đưa đến kết quả tốt đẹp.
Học Aikido mà không hiểu rõ tinh thần bổn môn hoặc không thể hiện được tinh thần ấy thì kỹ-thuật không thể biến hóa một cách sinh động, đúng hướng đã vạch của vị sáng tổ. Đấy là ta chưa nói đến việc kỹ-thuật Aikido có thể bị sử dụng một cách không chính đáng mà tác hại cho nhân quần, xã hội.
Để nhấn mạnh điều này, John Steven, đệ-tử của thày Rinjiro Shirata, đã viết trong cuốn Aikido, The Way of Harmony:“…coi Aikido như một môn võ-thuật bao gồm những thế ném, quật, khóa … - những kỹ-thuật có thể thấy trong bất cứ môn tự-vệ nào – là một điều phỉ báng cả một đời tầm đạo của Tổ-sư.”
Vì đã không am tường, thấm nhuần tư tưởng Aikido mà một số môn sinh đã khư khư lấy cái thuật của Hiệp-khí và lái qua con đường đấu tranh, tỷ thí để mong đạt được cái THẮNG tương đối. Việc này không những đã coi thường công trình tạo dựng của vị sang tổ mà còn hạ thấp môn phái từ ĐẠO ( DO ) xuống THUẬT (jitsu ).
Tiện đây, tôi xin thử phân biệt ĐẠO và THUẬT một cách đơn giản như sau:
THUẬT dùng những phương thức khác nhau nhằm đạt được mục đích đã định chứ không phân biệt tốt-xấu, cao đẹp hay hiểm độc. Còn với ĐẠO, các kỹ thuật được sử dụng sao cho phù hợp với đạo-lý, thuận theo đức hiếu sinh của Thượng -đế …
Sau đây chúng ta thử hệ-thống triết-lý Aikido để hiểu rõ ý chỉ của vị khai sáng môn phái,để khi theo học, chúng ta phải trở thành môn-đồ chân chính, thể hiện kỹ-thuật đúng với tinh thần thuần khiết, cao cả của bộ-môn, với những nguyên-lý chính yếu sau đây :
1.- TÌNH THƯƠNG:Tình thương hay tình yêu chân chính là một tình cảm vô cùng tốt đẹp đưa tới hành động vị tha, rộng lượng. Trong phạm vi gia đình tình thương thể hiện qua sự kết hợp đằm thắm lứa đôi, sự ràng buộc giữa những thế hệ bằng quan hệ phụ-mẫu, huynh-đệ. Rộng lớn hơn, ta thấy tình quê hương, đất nước, giống nòi. Cao cả hơn nữa là lòng nhân-đạo, tình yêu thiên nhiên, mong muốn tìm về nguồn với vũ-trụ bao la.
Nhờ tình thương mới có hy-sinh, mới biết nhẫn nhịn, kiên trì, tiến tới sự thông cảm và tha thứ để xóa bỏ hận thù, ganh ghét…Tình yêu đã là nguồn cảm hứng vô tận của mọi ngành văn nghệ như thi, văn, nhạc, họa…
Vì thế Aikido lấy TÌNH THƯƠNG làm gốc rễ.
Trong kỹ-thuật Aikido, tình thương đã ảnh hưởng tới lối kết thúc đòn (hóa giải và kiềm chế), các thế có vẻ nhẹ nhàng với đường nét nghệ thuật, các độc chiêu, sát thủ đã được loại bỏ. Trông một môn sinh có công phu luyện tập trong lúc ra đòn, tình thương phản ánh lên gương mặt an nhiên tự tại và tạo ra một phong thái đặc thù.
2.- HOÀ HIỆP (HỢP). Nhờ ái lực của tình thương mới có tiếp cận. Khi tiếp cận muốn có một tương quan cân đối, ổn định thì phải biết hòa hiệp. Thế nên hòa hiệp là một định lý chuyển hóa, một nguyên lý của vũ trụ. Aikido đã lấy nó làm phương trâm hành động.
Trong bản thể, sự hòa hiệp đã giúp chúng ta phát triển hệ thống khí lưc, thống nhất thân và tâm lực (physical & spiritual strength), duy trì ổn định nội tại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đem lại hiệu năng tối đa trong mọi hành động. Trong tiếp súc, thuận theo sức của đối phương, hòa hiệp mà hóa giải mọi hình thức công kích, mọi áp lực, đem lại trật tự, cân đối, ổn định và đoàn kết trong tập thể.
Trong môi trường, nhờ biết ổn định nội tại, quân bình trong tương quan xã hộI mà có được khả năng thích ứng vớI đổI thay, biến chuyển của thiên nhiên để sống khoẻ, lâu và có ích cho xã hội.
Sự hòa hiệp trọn vẹn chẳng đã đưa ta tới đỉnh nghệ thuật là gì :
3.- KHÍ LỰC . Ta đã biết khí là năng lực xuyên suốt và chuyển hóa vạn vật trong vũ trụ, là cái thể đồng nhất của vạn vật. Vì tương đồng nên dễ hòa hiệp. Thế nên Aikido dùng nó làm cơ sở để kết hợp mà hóa giải mọi sáo trộn.
Trong con người, khí là sinh lực được cha mẹ phối hợp truyền sang phôi để phát tiếp nối phát triển trong thế hệ sau (trong y-học Đông phương người ta gọi là tiên thiên khí). Sau khi sinh ra, khí lực này được tiếp dưỡng bằng sinh lực của vũ tru qua hô hấp khí trời, và tinh hoa vật chất của các thức ăn uống qua tiêu hóa. Khí lực này là nguồn năng lượng cho mọi sinh hoạt của con người từ vật chất cho đến tinh thần, cho những chức năng điều đạt cơ thể từ tự động đến chủ động.
Khí thường tản mạn khắp nơi trong cơ thể do ảnh hưởng của ngoại giới tác động vào giác quan : khi nổI giân thì “nộ khí xung thiên”, khi phấn khởI thì “hào khí ngút trờI”, thấy gì sống động thì ta bảo là “có sinh khí”, khi ốm đau thì “chân khí” suy giảm, “khí sằc” trở nên xấu… Do đó, nếu ta không biết dồn khí về một mốI để tâm-ý điều động mạch lạc, đúng phương pháp thì không thể khai thác được tiềm năng khí lực của mình.
Khí là yếu tố căn bản trong mọI đòn thế của Aikido. Luyện tập Aikido mà không biết đến khí lực thì còn gì là kỹ thuật Aikido nữa (“No ki, no Aikido”, lờI của Koichi Tohei, 10 đẳng Aikido). Do đó, luyện khí là điều không thể thiếu sót trong tập luyện Aikido.
4.- BẤT TƯƠNG TRANH. Đây là một nguyên lý đặc thù của triết lý Aikido, không thấy có trong bất cứ môn võ thuật nào khác. Môn phái nào cũng cố công nghiên cứu, luyện tập các tuyệt chiêu để chiến thắng đối phương. Nhưng Aikido lại có chủ đích khác: không nỗ lực chỉ để tìm những chiến thắng tương đối. “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”, nếu nay ta thắng mà rồi lại để mất chức vô địch vào tay một đấu thủ trẻ hơn, khỏe hơn, giỏi hơn, hoặc giỏi lắm cũng bị thời gian soi mòn mà không duy trì được vị trí thì chiến thắng đó chẳng phải là tương đối sao? Trong thế giới ham tranh giành thắng lợi này luôn luôn có kẻ vươn mình lên lấn lướt, làn sóng sau phủ lên làn sóng trước, vì tre già thì măng mọc, mà tre thì không thể không già được. Vì không muốn hướng hết cả thì giờ và công sức để chỉ đạt cái tương đối, phù du của cuộc sống mà Ông Tổ Aikido đã chuyển mục tiêu vào chiến thắng bản thân : “chính thắng, ngã thắng”. Morihei Ueshiba muốn Aikido phải là con đường đưa chúng ta tới vị trí ngày càng cao đep hơn, tiến gần đến chân lý vĩnh cửu, trở thành một chân nhân. Chúng ta đã thấy nhiều người vì quá ham chiến thắng đã dùng những thủ đoạn bất chính, khai thác những kẽ hở của luật lệ, sơ xuất của trọng tài, sử dụng chất kích thích, vi phạm luật thi đấu, chơi xấu, thâm chí cắn cả tai đối thủ, thì rõ ràng là họ chẳng đếm xỉa gì đến tinh thần thể thao, thượng võ gì cả. Chúng ta đã thấy trong các trận bóng tròn quốc tế, nhiều cầu thủ có tiếng đã níu áo, đốn giò đối phương để đến nỗi bi đuổi ra sân, hay bị treo giò. Lại nữa, hễ có thi đấu là có những quy luật giàng buộc, giới hạn sự biến hóa phong phú của các chiêu thức tân kỳ, hạn chế khả năng phát huy và sáng tạo. Sự chiền thắng nhiều khi đã đem lai nhiều tính xấu cho nhiều đấu thủ, như chủ quan, kiêu căng, tự mãn…, tệ nhất là họ lấy làm sung sướng trước những lỗi lầm, đau khổ của kẻ chiến bại. Chính khán giả bên ngoài đôi khi cũng bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp trên sân bãi đưa đến những hậ quả vô cùng tai hại.
Nền văn minh chân chính của nhân loại phải được xây dựng bằng TÌNH THƯƠNG, sự HÒA HIỆP và tinh thần BẤT TƯƠNG TRANH. Chính vì con người tham lam, muốn lấn lướt, khống chế kẻ khác mà trái đất này có thể bị đẩy tới chỗ hủy diệt. Người ta đã lợi dụng những tiến bộ của khoa học thực nghiệm, học hỏi từ những định luật của thiên nhiên, để thỏa mãn vật chất tầm thường, tận dụng kiến thức về kỹ thuật cao hầu thực hiện mộng bá chủ thay vi để phục vụ nhân sinh.
Với những suy nghĩ và hành động của mình, Aikido mong đóng góp một cách cụ thể vào nền HÒA BÌNH và THỊNH VƯỢNG của xã hội loài người.
|