Xem Phim Dai Ha`n

Vài suy nghĩ tản mạn sau khi

Xem Phim Ðại Hàn

Ðào Viên

Văn Minh Ðông Á trời thâu sạch
Này lúc luân thường đảo ngược ru?
Trần Tế Xương

Có một dạo, báo chí ở đây đăng tin là người Việt trong nước rất thích các sản phẩm của Ðại Hàn (tức Nam Hàn), từ các đồ điện tử cho đến xe gắn máy, xe hơi, đã được nhập cảng vào rất nhiều. Ðặc biệt các bộ phim dài, soạn riêng cho đài truyền hình đã rất được chiếu cố. Những bộ phim của Ðại Hàn, không những có phẩm chất cao mà cốt chuyện phim rất hợp với tâm tình người Việt Nam, bởi vì Ðại Hàn cũng có một nền văn hóa gần với chúng ta. Quốc gia này - giống như Nhật Bản và Việt Nam - cũng có cả ngàn năm ảnh hưởng của học thuật Trung Quốc, trong đó Khổng giáo, Lão Giáo và Phật giáo (Tam Giáo) đã đem đến cho cả ba dân tộc những quan niệm về nhân sinh và vũ trụ rất gần nhau; mặc dầu sang đến thế kỷ thứ 19, trước làn sóng của văn minh Tây Âu, mỗi nước đã đi vào những con đường định mệnh khác nhau.

Biết rằng ở quận Cam này cũng có một cộng đồng Ðại Hàn đáng kể, do đó, họ cũng có một vài kênh trên vô tuyến truyền hình, chúng tôi cũng tìm cách xem thử. Dĩ nhiên là những mục về tin tức, thời tiết hay quảng cáo, thuần bằng Hàn ngữ thì chúng tôi không xem được. Nhưng vào cuối ngày, họ có chiếu nhiều phim có phụ đề Anh ngữ - có lẽ cũng là để giới thiệu với dân bản xứ - thì chúng tôi đã có thể theo rõi không khó khăn gì.

Quả thật nghệ thuật điện ảnh của Ðại Hàn đã tới một trình độ khá cao. Diễn viên xuất sắc, xinh đẹp, khả ái, có cá tính riêng biệt. Ðạo diễn có tài, kịch bản chọn lọc, hình ảnh đẹp đẽ. Họ cũng tỏ ra có hậu thuẫn tài chánh rất lớn. Họ đã thực hiện được những bộ phim lịch sử có tầm vóc lớn lao trong đó có cả mấy trăm diễn viên, hàng trăm kỵ mã, cờ xí rợp trời, chiến thuyền san sát, diễn lại những trang sử oai hùng của họ. Những bộ phim dài chiếu hàng ngày là những mẩu chuyện thông thường trong xã hội Ðại Hàn đương thời, bi thảm có, hài hước có, nói lên một lối sống của dân tộc này.

Một điều làm chúng tôi chú ý, khi xem phim của họ, là có những bất ngờ có vẻ nghịch lý, ít ra là từ cái nhìn của người Việt đương thời như tôi. Xã hội Ðại Hàn, với một sản lượng Quốc Gia trung bình cho mỗi đầu người (per capita) khoảng US $16,100 (năm 2000), so với con số rất khiêm nhượng khoảng US $1,950 của Việt Nam(1) đã phải là một xã hội tân tiến có một mức sống tương đối cao, thể hiện qua những cao ốc, tư gia, bàn giấy, công tư sở, đường xá xe cộ lưu thông, khu buôn bán…,bối cảnh của phim trường, hay qua cách phục sức lịch sự của các diễn viên. Xã hội Ðại Hàn tất nhiên đã Âu hóa nhiều hơn các xã hội Á Châu khác như Việt Nam, Thái Lan vân vân. Ấy thế mà qua các phim truyện, chúng tôi thấy người Ðại Hàn vẫn còn giữ lại được rất nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, dễ thương, của một truyền thống cũ, rất cá biệt của họ, dựa trên nền văn hóa Khổng Mạnh của rất nhiều thế kỷ trước.

Một trong những phim chúng tôi xem kể chuyện một gia đình trung lưu. Ông bố làm chủ một cửa hàng cỡ lớn bán quần áo thời trang, đi làm có xe riêng do tài xế lái. Bà vợ nội trợ, ở nhà trông nom nhà cửa, một biệt thự lớn, hai tầng lầu, bầy biện, trang hoàng đẹp đẽ, có một người giúp việc. Ông bà có hai người con trai và một người con gái: người con trai trưởng, vai chính trong trong phim, làm y sĩ trong một bệnh viện; người con trai thứ là một họa sĩ; còn người con gái út thì còn trong tuổi đi học. Ðúng là một gia đình trung lưu, trưởng giả, học thức, tân tiến.

Ấy thế mà gia đình này vẫn giữ được nền nếp của những tập quán cổ truyền Khổng Mạnh, như tôn kính cha mẹ, trên kính dưới nhường, vào thưa ra gửi, kính trọng người già vân vân. Con cái đi đâu về, hay ra ngoài đi đâu, dù có làm đến ông bác sĩ, đã trên ba mươi tuổi đi chăng nữa, đều phải vào chào bố mẹ để cho bố mẹ biết là mình đã về, hay sắp đi khỏi nhà. Anh em đang ngồi chơi nói chuyện với nhau, nếu thấy bố mẹ vào phòng , thì phải đứng dậy, chờ cho bố hay mẹ ngồi xuống rồi mới được ngồi. Trong bữa ăn cũng vậy, chỗ ngồi danh dự - thường là đầu bàn - phải dành cho người chủ gia đình. Bố mẹ chưa ngồi xuống để ăn cơm thì con cái chưa được ngồi mà ăn trước. Không được lớn tiếng trước mặt cha mẹ. Anh, hay ngay cả người bạn cùng trường nhưng học lớp trên, bậc huynh trưởng, phải được người em hay bạn học lớp dưới nể trọng. Thấy người già cả đến nhà, thì phải đứng dậy, giúp đỡ mời ngồi, biết cư xử với những tôn kính như đối với cha mẹ mình. Chào hỏi người trên phải biết chắp tay cúi đầu, sâu hay nông, tùy theo địa vị của người này. Trong những dịp đại lễ như Tết nhất, cưới hỏi, mang quốc phục ra mặc, muốn tỏ lòng tôn kính đối với các bậc trưởng thượng, phải quỳ lạy một lạy. vân vân.

Xem những đoạn phim trên tôi lại hồi tưởng đến một thời xa xôi của xã hội chúng ta, khi nhiều truyền thống, tập tục dựa trên Tam Giáo vẫn còn được tôn trọng, khi tinh thần gia đình còn nặng, khi lý tưởng tự do và riêng tư cá nhân của Tây phương chưa phổ cập. Những cung cách cư xử như thấy trong phim Ðại Hàn tôi đã thấy trong nhiều gia đình, kể cả gia đình chúng tôi, khi tôi còn nhỏ, rất nhỏ. Tôi còn nhớ các ông anh lớn của tôi, khi đang ngồi trên ghế tràng kỷ trong phòng khách mà thấy Thầy tôi (cha tôi) vào, cũng đều phải đứng dậy. Khi cả nhà đang ngồi sắp sửa ăn cơm, tôi luôn luôn được nhắc nhở là không được đụng đũa khi mà Thầy Mẹ tôi chưa cầm đũa lên. Trước khi ăn cơm bao giờ cũng phải mời, chờ những bậc trưởng thượng ăn trước. Sau khi ăn song, phải xin vô phép ngừng ăn rồi mới đứng dậy. Trong ngày Tết Nguyên Ðán, tôi được cho mặc quần áo (cổ truyền) trịnh trọng để đến Bà tôi mừng tuổi người. Bà tôi, người có vai vế cao nhất trong họ, hôm đó đã ngồi sẵn sàng trên sập gụ có trải chiếu hoa để mọi người đến mừng tuổi. Tôi phải lạy người một lạy để rồi được ngưòi cho một đồng xu mới bóng loáng.

Những hình ảnh ấy, những tập tục ấy đã dần dà biến mất trong xã hội ta, trong khi dân tộc Ðại Hàn vẫn tìm cách giữ lại và họ đã giữ được, cho đến ngày nay, song song với sự canh tân xứ sở cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị. Ðối với tôi, đó quả là một điều bất ngờ.

Cho đến thế kỷ thứ 18, cả hai nước Việt Nam và Triều Tiên (hay Choson, tên cũ của Ðại Hàn; tên mới chỉ được vua Lý Cao Tôn -Yi Kojong - ban ra năm 1900), vì cùng chịu ảnh hưởng của học thuật Trung Quốc, đều có một nền văn hóa giống nhau, một nền văn hóa dựa trên nền tảng là Khổng giáo với nhiều ảnh hưởng của Phật giáo và tư tưởng Lão Trang. Hai nước cũng cùng có một nền kinh tế nông nghiệp như nhau và một tổ chức chính trị theo chế độ quân chủ giống nhau. Sang đến thế kỷ thứ 19, cả hai đều bị đế quốc Tây Phương đe dọa, đem lại nhiều xáo trộn cho quốc gia. Khởi đầu là những nhà truyền giáo Gia Tô La Mã Pháp từ Trung Hoa sang Triều Tiên (khoảng năm 1784), và từ bán đảo Ấn Ðộ sang Việt Nam (khoảng năm 1627). Cũng như triều đình nhà Nguyễn, Nhiếp Chính Vương Ðại Viện Quân (Taewon’gun) Triều Tiên đã cấm đoán việc truyền giáo vì thấy không hợp với truyền thống quốc gia và có hại cho uy tín triều đình (2). Cũng như Việt Nam, Triều Tiên đã bị người Pháp, lấy cớ đó, dùng vỏ lực tấn công vào năm 1866. Không những thế, Hoa Kỳ cũng lấy cớ triều đình không chịu giao thương, đã tiến đánh vào năm 1871.

Ðến đây, hai nước đã đi vào hai con đường định mệnh khác nhau. Vua quan và dân Triều Tiên đồng tâm hiệp lực đã đẩy lui được hai cuộc ngoại xâm, và giữ vững được nền độc lập, bảo toàn được lãnh thổ, duy trì được nền quân chủ truyền thống (3). Sau đó, họ cũng phải chịu những áp lực nặng nề của Trung Hoa và Nhật Bản, tranh dành ảnh hưởng với Pháp và Mỹ, đòi phải mở cửa cho vào buôn bán. Ðể giữ được nền độc lập, triều đình Triều Tiên phải nhượng bộ. Mặc dầu không muốn, họ đã phải ký hòa ưóc với Trung Hoa, Hoa Kỳ (1882), rồi với Anh, Pháp, Ðức, và Nhật (1884), mờ cửa cho các phái đoàn thương mại vào buôn bán và các nhà truyền giáo vào truyền đạo. Triều đình cũng như các nhà trí thức lãnh đạo, do đó, đã nhìn thấy nhu cầu phải canh tân xứ sở. Nhiều thanh niên cũng như viên chức triều đình được cử sang Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Mỹ để học hỏi. Sách báo được phát hành. Tất nhiên mâu thuẫn giữa tân và cựu phải xẩy ra, gây ra nhiều xáo trộn trong nước. Thế nhưng, triều đình nhà Lý (Yi) - một triều đại huy hoàng nhất của Triều Tiên, kéo dài từ 1392, cho đến năm 1910 - vẫn đoàn kết được dân chúng chung quanh nhà vua để đối phó với ngoại nhân. Công cuộc canh tân xứ xứ sở Triều tiên đã được các nhà lãnh đạo đề xướng và thực hiện trong tinh thần cứu quốc và kiến quốc. Với tinh thần ấy, họ đã thấy, ngoài nền độc lập chính trị, độc lập về văn hóa cũng quan trọng không kém, cho nên họ vẫn gìn giữ gia tài văn hóa của ông cha để lại - trong đó có văn tự - để truyền thống dân tộc được tiếp tục lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, đảm bảo cho sự thống nhất quốc gia và sự bền vững của tinh thần dân tộc. Bởi thế cho nên, người Ðại Hàn đã tổ chức nên được một quốc gia rất tân tiến, cung cấp cho người dân được một đời sống kinh tế cao, nhiều tiện nghi, trong khi vẫn giữ được nếp sống thuận hòa có trên có dưới, với nhiều tập tục, truyền thống tốt đẹp, của một xã hội lành mạnh, tiến bộ.

Việt Nam, như chúng ta đã biết, đã đi vào một con đưòng đầy chông gai. Trước sự xâm lăng của người Pháp, để truyền giáo hay để buôn bán, triều đình nhà Nguyễn đã hoàn toàn bất lực (4), không động viên được sự hậu thuẫn của quần chúng chống lại cuộc xâm lăng, để mất nền độc lập, và chịu sự đô hộ của người Pháp qua bản Hòa Ước Patenôtre năm 1884. Sau khi chiếm được toàn thể lãnh thổ nước ta, với chiêu bài “khai sáng văn minh” (mission civilisatrice) cho dân bản xứ, người Pháp cũng làm công việc canh tân xứ ta, nhưng với tinh thần và mục đích hoàn toàn khác hẳn.

Họ không muốn Việt nam còn tồn tại như một dân tộc thống nhất, từng có một lịch sử và môt nền văn hóa riêng biệt. Họ muốn biến dân ta thành dân thuộc địa, không còn quá khứ, không còn “căn cước” (identity) là người Việt Nam nữa, mà chỉ là những nhân công làm tôi đòi cho dân Pháp nói chung và người Pháp thực dân thuộc địa nói riêng. Ðể làm điều ấy, họ chia nước ta ra làm 3 miền có 3 tên riêng rẽ (Tonkin, Annam và Cochinchine). Họ lũng đoạn, coi khinh triều đình (đối xử vô lễ với vua quan nhà Nguyễn, bỏ vua khó bảo, lập vua dễ bảo, đặt tay chân thân Pháp trong triều, như T.V.K, P.Q., N.H.B) để người dân hết chỗ nương tựa. Họ bãi bỏ nền giáo dục và thi cử của triều đình dựa trên Hán Nôm và văn minh Á đông, nhằm mục đích loại bỏ ảnh hưởng chính trị và văn hóa xã hội của lớp Nho học cựu trào còn nặng tinh thần quốc gia dân tộc, không chịu sự đô hộ của người Pháp mặc dầu đã thất bại liên tiếp. Họ mở ra những trường, như trường Thông Ngôn (đào tạo thư ký, thông dịch viên), trường Hậu Bổ (đào tạo quan lại), các trường Lycée, với mục đích đào tạo một lớp người mới, cắt đứt với thế hệ trước, trở thành những kẻ thừa hành bản xứ để giúp họ kiện toàn nền đô hộ. Họ đem văn minh Tây Phương vào giảng giậy ở các trường, bỏ qua không đếm xỉa gì đến văn minh Ðông Phương, đến văn học bản xứ. Họ cho vào đầu lớp người mới ý nghĩ là những tư tưởng, những nhân sinh quan và vũ trụ quan của Khổng học, của Phật giáo hay Lão giáo là lạc hậu, lỗi thời, chỉ đáng được nhìn như một đồ cổ. Chẳng bao lâu, danh từ “Cụ Khổng” được lớp người mới dùng để chế riễu nhiều hơn là có ý nể trọng, khác hẳn với thời mà học trò bị quở mắng khi đem giấy bản có viết chữ Hán dùng vào việc không xứng đáng.

Chỉ sau chưa đầy nửa thế kỷ, xã hội Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Chính sách thuộc địa trên đã tạo ra một giai cấp thượng lưu trí thức trưởng giả thành thị, thấm nhuần văn minh Tây Âu, không biết gì về, nhiều khi còn coi rẻ, những giá trị của văn minh Ðông Phương, của Tam Giáo. Những quan niệm về người quân tử, kẻ tiểu nhân, những nguyên tắc đạo đức (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), cách cư xử trong gia đình, trong xã hội (tam cương, ngũ thường, tinh thần gia tộc, hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính các bậc trưởng thượng) mất dần trong tâm tư mọi người, cũng như trong các mối quan hệ giữa người dân. Tín ngưỡng cổ truyền, những triết lý cao siêu của Phật giáo và Lão giáo bị coi là mê tín dị đoan, thờ cúng ma quỷ. Phật Giáo bị liệt vào hàng hội đoàn, không được coi là một tôn giáo như Thiên Chúa giáo Tây Âu. Những giá trị ấy được dần dà thay thế, trong tâm tư thế hệ mới, bởi những gía trị mới của văn minh Du Ðà Thiên Chúa (Judeo-Christian) như giáo lý độc thần, cá nhân chủ nghĩa, lý tưởng tự do cá nhân, rồi sau này, chủ nghĩa Duy Vật, chủ nghĩa Tư Bản, chủ nghĩa Nhân Vị, chủ nghĩa Xã Hội và chủ nghĩa Cộng Sản. Thế hệ mới, đào tạo trong văn hóa Tây Âu, không cảm thấy có những mối quan hệ với quá khứ, với tổ tiên mà họ chỉ biết một cách mơ hồ, mà họ cho là lạc hậu, quê mùa. Cái “căn cước” Việt Nam đã trở nên mờ mịt vì ánh sáng chói lòa của văn minh Tây Phương. Cấu trúc gia đình bị rạn nứt vì sức ép của chủ nghĩa tự do cá nhân, bởi làn sóng ào ạt của nền văn hóa mới, đề cao sự tiêu thụ và lối sống dục lạc Tinh thần vọng ngoại thịnh hành. Và cái mộng của thế hệ mới là xuất ngoại để phát triển tiềm năng cá nhân và thi thố tài năng ở nước ngoài. Khi ra đến ngoài, nhiều người đã vứt luôn cái căn cước phai mời đó đi và không muốn nhận mình là người Việt Nam nữa (5).

Một điều khác đáng chú ý là chính sách thuộc địa “khai sáng văn minh” của Pháp chỉ cốt đào tạo ra một lớp trí thức thành thị lãnh đạo giúp họ cai trị, mà không đếm xỉa gì đến đại đa số dân chúng còn lại tại các vùng quê suốt đời sống một cuộc đời nghèo khổ, cha truyền con nối, mà đời sống tinh thần vẫn dựa vào những giá trị cổ truyền của Tam Giáo. Việc cai trị được bỏ mặc cho các quan triều Nguyễn. Vì ngân khố triều đình nhà Nguyễn không có bao nhiêu, các bậc dân chi phụ mẫu chỉ được trả cho một số lương chết đói. Trừ một số rất hiếm hoi, các vị này đã phải bóc lột người dân để sinh sống và hối lộ các quan đầu tỉnh Việt, Pháp (6). Ðây chính cũng là dụng tâm của người Pháp. Người dân quê Việt Nam đã phải sống trong cảnh bùn lầy nước đọng, đầu tắt mặt tối quanh năm, bị bóc lột tàn nhẫn, để sống còn. Sự khác biệt giữa giai cấp trí thức thành thị với nhiều ưu đãi và giai cấp nông dân bị bỏ lãng, cái hố phân cách kinh tế cũng như văn hóa ấy, đã không giúp gì cho việc xây dựng một quốc gia thống nhất, thuần nhất, một dân tộc đồng tâm, nhất trí, một xã hội lành mạnh, có kỷ cưong.

Sau đó, một cuộc chiến tranh dành độc lập đầy gian khổ, và theo sau là một cuộc nội chiến tàn khốc vì khác biệt ý thức hệ giữa ngưòi dân trong nước, với sự trợ giúp của những ngoại nhân chống đối nhau vì quyền lợi riêng của họ, đã làm cho dân tộc ta kiệt quệ, nhân tâm ly tán, văn hóa suy đồi, lý tưởng mờ nhạt. Ðức tự tin, lòng kiêu hãnh, tình huynh đệ, nghĩa đồng bào là người Việt nam đã tan biến dần. Trong lòng nhiều người, khoảng trống tâm linh ấy đã dần dà được thay thế bằng những lý tưởng cao đẹp khác: lòng kiêu hãnh được làm một công dân mới của một quốc gia mới, với một tên mới, niềm tin tưởng vào tương lai của tổ quốc mới, tình nghĩa thắm thiết với người đồng bào, đúng hơn, người cùng tổ quốc, mới.

Ðịnh mệnh lịch sử đã đưa hai dân tộc, mà chỉ một trăm năm trước đây đã đi đôi song song, vào hai cuộc phiêu lưu khác biệt. Sự thành công của Ðại hàn trên con đường canh tân xứ sở đã bác bỏ một nhận định của nhiều người trí thức lãnh đạo nước ta trước đây, cho rằng học thuật Á Ðông dựa trên Tam Giáo, truyền thống cổ truyền chỉ làm cản trở cho bước tiến của dân tộc. Nếu không cản trở thì có chắc gì có đóng góp vào sự tiến bộ không? Một nhà chính trị gia nổi tiếng đương thời, ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore, người đã đem Singapore đến địa vị một tiểu quốc hùng mạnh (lợi tức đầu người hằng năm của Singapore là US $26,500, vượt cả Anh Quốc, Ðế quốc chủ nhân của Singapore một thời, với US $22,800) đã cho câu trả lời. Khi được hỏi động lực nào đã giúp Singapore thành công vượt bực như vậy, ông Diệu đã quy kết tất cả về di sản văn hóa của người Trung Hoa, nhất là Khổng Học, trong người dân Singapore./.


(1) Ðể có một khái niệm tổng quát về sức phát triển kinh tế các nước trên thế giới, lợi tức đầu người cao nhất, năm 2000, là US $36,400 của Lục Xâm Bảo (Luxembourg). Hoa Kỳ với US $36,200 đúng hàng thứ hai. Thấp nhất là US $510 của Sierra Leone. Việt Nam không phải là nước nghèo nhất trung vùng, nếu ta so sánh với những nước có per capita trên dưới US $2,000. như Cam Bốt ($1,300), Miến Ðiện ($1,500), Bagladesh ($1,570), Lào ($1,700), Pakistan ($2,000) , Ấn Ðộ ($2,200) – Tài liệu The World Fact Book, GDP per capita của cơ quan CIA Hoa Kỳ.

(2) “Ðạo mới từ Tây Phương đến lại muốn lật nhào các tín ngưỡng cũ. Không những việc thờ cúng ông bà bị kết án quyết liệt và lòng sùng đạo của con chiên phải thắng lòng trung với vua. Chính phủ càng thêm sợ các hoạt động của các nhà truyền giáo khi họ muốn tạo nên một tổ chức Gia Tô không thèm biết đến uy quyền nào khác hơn là uy quyền các lãnh tụ tinh thần của họ. ”- Cao Huy Thuần; Ðạo Thiên chúa và Chủ Nghĩa Thực Dân tại Việt Nam.

(3) Dân tộc Việt Nam chắc chắn không thua kém dân tộc Ðại Hàn trong công cuộc bảo vệ quốc gia. Lịch sử đã chứng minh điều này. Vào thế kỷ thứ 13, quân Mông Cổ đã tràn sang và chiếm đóng Cao Ly, hay là Koryo, tên trước của Triều Tiên, gần 100 năm (từ 1259 đến 1356), nhưng khi định thôn tính Việt Nam thì đã bị nhà Trần ba lần đẩy lui. Sang đến thế kỷ thứ 17, Triều Tiên lại bị nhà Mãn Thanh chiếm đóng vào năm 1627 và 1636. Ðến khi Mãn Thanh thôn tính được Trung Hoa (1644) thì Triều Tiên trở thành một thuộc quốc. Nhà Thanh, ở thời đại cực thịnh (vua Càn Long) năm 1789, định thôn tính nước ta, đã bị vua Quang Trung Nguyển Huệ dánh đại bại.

(4) Nhiều người cho rằng có hai nguyên nhân quan trọng đã khiến cho nhà Nguyễn không kháng cự nổi người Pháp và để mất quyền tự chù. Thứ nhất, khi Gia Long Nguyễn Ánh lên ngôi làm Thế Tổ nhà Nguyễn, thì dân Việt Nam đã bị kiệt quệ sau nhiều năm nội chiến. Chính sách trả thù nhà Tây Sơn , tận diệt các dư đảng Tây Sơn, lại càng làm phân hóa các thành phần trong xã hội. Chúng ta đã biết, chia rẽ hận thù vì lý do chánh trị, sau 20 năm (Gia Long làm vua được 17 năm) chưa thể xóa nhòa đưọc. Thứ hai, để đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã phải nhờ vào phái bộ truyền giáo Pháp (giáo sĩ Bá Ða Lộc mang Hoàng Tử Cảnh về Pháp) để cầu viện với triều đình Pháp. Ðó là một món nợ chính trị không dễ trả. Những hậu duệ của vua Gia Long đã phải thừa hưởng một gia tài chính trị rối rắm đầy khó khăn, khi phải đương đầu với sự xâm lược của người Pháp.

(5) Trong những năm đầu của thập niên 60, trong một dịp sang Hoa Kỳ, tôi đã được nhiều sinh viên đang du học tại đây khuyên là nên nhận mình là người Phi Luật Tân hay Thái Lan khi được hỏi là từ đâu đến. Sau 1975, nhiều người Việt Nam hải ngoại đã quyết định không muốn còn là người Việt Nam nữa, thay đổi cả từ tên họ đến cung cách cư xử sinh hoạt.

(6) Ông ngoại chúng tôi, cử nhân Hán học, từ một trong những khoá cuối cùng, ra làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, có kể lại nhiều mẩu chuyện thương tâm của những ông quan thanh liêm sống trong cảnh cơ hàn với đồng lương chết đói dưới thời Pháp thuộc. Ðiển hình là trường hợp quan Án Sát Ð.Q.M. Khi ông tôi đến chơi nhà bạn (cụ Án M.), tối đến được bạn đưa cho cái chăn bông để đi ngủ vì mùa đông ngoài Bắc rất lạnh. Nửa đêm, ông tôi tỉnh dậy thì thấy có một người đang nằm co quắp đắp chiếu ngủ bên cạnh mình. Nhìn kỹ thì hóa ra chính là ông bạn. Thấy bạn đến, theo phép lịch sự thời ấy, cụ Án M. đã không ngủ trong phòng riêng với vợ mà ra nhà ngoài thù tiếp ông bạn. Thì ra cả nhà cụ án M. chỉ có một cái chăn bông mà thôi. Một người con trai của cụ Án M., ông Ð.Q.H., Tây học, tốt nghiệp trường Hậu Bổ, cũng ra làm quan. Sau một thời gian ngắn làm tới chức vụ Án Sát đầu tỉnh (tỉnh Hải Dương) cũng phải treo ấn từ quan, vì thấy không thể làm việc cho người Pháp mà lương tâm không bị cắn rứt dược. Ðại đa số các quan lại thời đó, không giống như hai bố con cụ Ð.Q.M., đều có một mức sống rất cao, có những nguồn lợi tức rất dồi dào.


Ðào Viên
Tháng 8, năm 2002