TINH THẦN DÂN CHỦ

       TẠI PHÁP ĐÁNG ĐƯỢC CA NGỢI

 

Tuy không hiểu nhiều về tình hình chính trị của nước Pháp, nhưng qua sự kiện bầu cử tổng thống Pháp vừa rồi, có một điểm làm chúng ta quan tâm.  Trở về một chế độ độc tài không thuận với lòng dân.

 

Nước Pháp đã từng đi tiên phong phát huy chế độ dân chủ qua cuộc cách mạng phế bỏ chế độ phong kiến trong thế kỷ 18 để thành lập nền cộng hòa đầu tiên.  Từ đó về sau, Pháp vẫn được coi là cái nôi cách mạng, cái nơi mà người dân tôn trọng dân quyền và nhân quyền hơn đâu khác. Tổng Thống Jacques Chirac, phe thiên hữu, và Thủ Tướng Lionel Jospin, phe thiên tả, đã kết hợp nhau trị vì nước Pháp trong nhiệm kỳ qua.  Trong tình thế khó khăn về kinh tế và xã hội, chính phủ Pháp đã đưa ra nhiều kế sách đối phó: như cho làm việc một tuần 35 giờ để giải quyết vấn đề thất nghiệp trầm trọng, giống như ta chia cho đều hơn một cái bánh càng ngày càng teo lại; mặt khác đối phó với nạn người Phi Châu tràn ngập thị trường nhân công Pháp làm cho người dân Pháp chính gốc mất đi công ăn việc làm mà còn gây nhiều bất an trong xã hội, nạn khủng bố, nạn ổ chuột trong các đô thị, làm cho các cơ quan xã hội không kham nổi để chu toàn về nhà cửa, y tế cho toàn thể dân chúng.  Mặt khác, sống trong cộng đồng Âu Châu, Pháp đã phải mở cửa tiếp nhận trao đổi tự do với các nước Âu Châu khác về thuế quan cũng như về sử dụng nhân công nước ngoài.  Nói chung, Pháp phải vừa mở cửa để cạnh tranh công bằng, vừa phải chấp nhận sức ép từ dân chúng để bảo vệ quyền lợi người dân hơn.  Đúng là một tình hình khó khăn cho bất cứ ai lên cầm quyền.

 

Trong kỳ bầu cử rồi, trong vòng đầu, phe thiên hữu về nhất với ông  Tổng Thống đương kiêm Jacques Chirac, phe cực hữu về nhì với ông Jean-Marie Le Pen, và ông Lionel Jospin, phe thiên tả về hạng ba, đương nhiên bị loại khỏi vòng chiến.  Ông Le Pen đưa ra chủ trương trả lại quyền làm chủ của người Pháp trên đất Pháp, dùng biện pháp mạnh đối với những người di dân bất hợp pháp, không cho người nước ngoài nhập tịch Pháp một cách đương nhiên như sanh trên đất Pháp, và chỉ cung cấp trợ giúp xã hội cho những người di dân theo một chế độ riêng biệt khác với công dân Pháp.  Ông còn muốn nâng vị thế nước Pháp đối với quốc tế, như tăng cường khả năng quốc phòng, nhất là khả năng nguyên tử, đống thêm hàng không mẫu hạm...Trước những quan điểm lập trường hiếu chiến của ông, người dân đã cùng nhau xuống đường chống đối, và đã làm cho ông thất cử với tỷ số cực kỳ kém cỏi so với ông Jospin trước kia khi tranh cử với ông Chirac.

 

Đó là một sự kiện đáng ghi nhớ.  Dù cho ông Le Pen đề cao dân tộc Pháp, muốn làm cho nước Pháp trở nên hùng mạnh trước cộng đồng Âu Châu và thế giới, lập trường bảo thủ cao độ của ông đã làm ông thất cử.  Xu hướng thời đại thật không chấp nhận những lập trường chính trị cực đoan.  Cực hữu cũng thất bại, cực tả càng thất bại hơn.  Cái hay của nước Pháp là hiến pháp của họ cho thấy quyền hạn rõ rệt của người dân qua lá phiếu bầu cử.  Thiểu số phải phục tùng đa số.  Nước Pháp có quá nhiều chính đảng nên phải tổ chức bầu nhiều lần để còn lại hai ứng cử viên tranh nhau ở vòng chót mà thôi.  Trong quá trình bầu cử, người dân có thể nghe thấy được mọi xu hướng xã hội từ mọi chính đảng khác nhau.  Tiếng nói của họ vang được bao nhiêu tùy lập trường của họ đúng ý người dân bấy nhiêu.  Điều quan trọng là ai cũng có tiếng nói của mình.  Chính người dân khi đi bầu, họ đã nói lên lập trường của họ qua lá phiếu họ đã bầu cho ai.  Chừng nào Việt Nam ta có được một chế độ cỡi mở như vậy!

 

Trong nhiệm kỳ trước, Tổng Thống Jacques Chirac đã mời một người hết sức ưu tú thành lập chính phủ đầu tiên.  Người ưu tú này đã từng đỗ đầu trong mọi kỳ thi cử của ông ta trong các trường quốc gia nổi tiếng nhất nước Pháp.  Nhưng ở cương vị thủ tướng, ông chỉ ở lại mấy tháng mà thôi, chỉ vì học giỏi chưa hẳn đã làm được việc, dù ông cũng nằm trong phe hữu.  Sau đó, Thủ Tướng Lionel Jospin thành lập chính phủ của phe tả.  Ông Jospin đã đưa vào chính phủ của ông nhiều thành phần cộng sản (cực tả), nhưng thành phần dân chúng nghèo nhất nước cũng chẳng nhận được quyền lợi gì đích thực, trái lại những người làm chính trị cũng chỉ biết tranh quyền đoạt lợi cho bản thân họ.  Nói khác đi, trong một chế độ đa đảng, ai cũng có cơ hội đóng góp sức mình vào hoạt động chính trị chung của cả nước.  Nếu mình làm được việc, dân chúng đều biết và sẽ tái bầu cho mình.  Còn nếu không, phải nhường lại chỗ cho người khác, chứ không dùng quyền thế mà duy trì cái ghế thống trị của mình. 

 

Trở về với Việt Nam ta, không biết vì lý do gì mà đảng cộng sản Việt Nam nhất quyết phải giữ cho bằng được cái quyền độc tôn cai trị đất nước mà còn cho mình là đại diện đại đa số quần chúng.  Rõ ràng là đại đa số nhân dân đang nghèo, nghèo nhất thế giới.  Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam có nghèo nhất thế giới không?  Như vậy, đảng cộng sản không là thành phần đại chúng tại Việt Nam bây giờ.  Đảng CSVN tự hào lo cho dân, tại sao lại để dân thất học, tại sao không cho dân có tiếng nói của mình trên báo chí, trên truyền thanh, truyền hình, tại sao không giải quyết được cho dân những tranh chấp đất đai giữa nhà nước và nhân dân.  Như vậy đảng CSVN không coi hạnh phúc của dân là cứu cánh.  Dân đã nghe theo sự lường gạt của đảng mà hy sinh trong chiến tranh, nhất là trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, cưỡng chiếm miền Nam ruột thịt, nay thì đảng CSVN đã dâng hiến đất đai và lãnh hải cho Trung Cộng.  Như vậy, đảng CSVN không coi trọng “độc lập dân tộc” bằng quyền lợi riêng tư của đảng, làm sao cho rằng đảng với dân là một được. 

 

Tóm lại, Đảng Cộng Sản Việt Nam không từ nhân dân mà ra, không lo cho quyền lợi của dân, và đã không coi trọng quyền lợi tổ quốc trên quyền lợi của đảng.  Chẳng những đảng CSVN không còn xứng đáng để trị vì, mà còn là kẻ thù số một của dân, cường hào ác bá đối với dân, làm xấu hổ tổ tiên, nên phải sớm bị khai trừ.

 

Cựu Tù