Trần Viết Ðại
Hưng
Ở Việt Nam ngày nay có hai thành phần đối lập: Một là những nhân vật bất đồng chính kiến (dissident) như nhà văn Dương thu Hương, Phó tiến sĩ Hà sĩ Phu, Cựu tướng Trần Ðộ, Tiến sĩ Nguyễn thanh Giang, Bác sĩ Nguyễn đan Quế v,,v. , Hai là những thành phần tôn giáo đối lập, trong đó những tên tuổi điển hình có thể kể ra là cụ Lê quang Liêm thuộc Phật Giáo Hòa Hảo, Linh mục Nguyễn văn Lý của Thiên chúa giáo Việt Nam và Hòa Thượng Quảng Ðộ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Những nhân vật bất đồng chính kiến thường bày tỏ những ý kiến phản kháng bằng những bài viết hay bằng những bài phỏng vấn của những đài phát thanh nước ngoài. Những người này chưa tập họp được quần chúng vì thế đứng riêng lẻ và vì trong chế độ Cộng Sản như Cộng Sản Việt Nam không cho phép họ có quyền tự do lập hội, lập đảng như ở những nước tự do khác. Dĩ nhiên những tiếng nói đối lập của họ cũng đóng góp nhiều trong cuộc tranh đấu đòi tự do, dân chủ và nhân quyền nhưng họ bị hạn chế trong chuyện tập họp quần chúng để có thể đứng lên biểu tình, gây sức ép để bắt buộc bạo quyền phải có những thay đổi theo chiều hướng dân chủ tiến bộ hay trong trường hợp nghiêm trọng hơn là lật đổ luôn bạo quyền. Riêng những lãnh tụ tôn giáo tranh đấu như cụ Liêm, cha Lý và thầy Quảng Ðộ có ưu điểm hơn thành phần đối lập là những lãnh tụ tôn giáo có tín đồ đông đảo dưới tay, sẵn sàng nghe lời để tiến tới. Ðiều này làm cho bạo quyền Cộng Sản phải e dè, kiêng nể khi tính chuyện bắt bớ, giam cầm những lãnh tụ tôn giáo đấu tranh.
Nếu bắt những người đối lập thông thường như Dương thu Hương hay Hà sĩ Phu, nhà cầm quyền Cộng Sản chỉ cần vài công an thì trong chuyện bắt cha Lý vào giữa tháng 5 năm 2001 , Cộng Sản đã phải huy động đến 600 công an. Dĩ nhiên chúng đã nghĩ đến sự đề kháng của những giáo dân dưới trướng của cha Lý. Ðụng đến những lãnh tụ tôn giáo là coi như đụng đến những tín đồ của tôn giáo ấy và nếu không khéo thì sẽ xảy ra biến động và Cộng Sản sợ nhất là biến động xảy ra lúc nầy vì biến động có thể nổ ra theo kiểu dây chuyền và tiến đến chuyện quật ngã luôn chế độ hung tàn của chúng. Ðối với Cộng Sản chúng chỉ có đòn bạo lực để duy trì chế độ nhưng đối với những tín đồ dũng cảm quyết tâm hy sinh bảo vệ đạo, bảo vệ người lãnh đạo tinh thần của mình dù có phải giá nào chăng nữa thì ngón đòn dùng bạo lực để đàn áp mà Cộng Sản thường dùng trong những ngày sắp tới sẽ không còn hiệu quả nữa và từ đó dẫn đến chuyện cáo chung của chế độ Cộng Sản cũng sẽ là chuyện tất nhiên mà thôi.
Từ hai tháng trước, Hòa Thượng Quảng Ðộ đã gửi thư cho nhà cầm quyền Cộng Sản yêu cầu phải thả Hòa Thượng Huyền Quang đang bị lưu đầy ở Quảng Ngãi về lại Sài Gòn, nếu Cộng Sản không thi hành, vào đầu thượng tuần tháng 6, thầy Quảng Ðộ sẽ dẫn một phái đoàn tăng ni lên đường đi Quảng Ngãi để rước thầy Huyền Quang về. Nói thế coi như sự đụng độ của Phật Giáo và Cộng Sản sẽ xảy ra và chắc chắn phần thua thiệt sẽ nghiêng về phía Cộng Sản nhiều hơn và nếu không khéo trận đụng độ này sẽ là mồi lửa làm nổ tung thùng thuốc súng căm hờn và phá hủy luôn bạo quyền Cộng Sản Việt Nam, vốn được xây dựng trên sự bất công và bạo lực. Cuộc tranh đấu của thầy Quảng Ðộ sẽ đi đến thành công nếu tất cả người Việt chúng ta, Phật tử cũng như không Phật tử, quốc nội cũng như hải ngoại, đều góp sức, góp công, góp máu trong trận chiến đấu kỳ vĩ và lịch sử này.
Ðể nói lên mục đích của chuyến đi giải cứu cho thầy Huyền Quang, thầy Quảng Ðộ nhấn mạnh cái khía cạnh nhân đạo về hoàn cảnh thương tâm của thầy Huyền Quang như sau trong bức thư gửi các cấp Giáo Hội trong và ngoài nước như sau:
" .. Thấy người hoạn nạn thì thương. Thấy người tàn tật lại càng trông nom. Thấy người già yếu ốm mòn. Thuốc thang cứu giúp cháo cơm đỡ đần. Thiếu nhi nước ta ngày trước cắp sách đến trường đã được giáo dục lòng nhân như thế. Ðấy đã là cung cách từ nhiều nghìn năm người Việt cư xử với người Việt. Nhưng ngày nay, dưới chế độ Cộng Sản, người ta đã đối xử ra sao với người hoạn nạn? với người già? người ốm đau? Tôi muốn nói đến vị Cao tăng của Giáo Hội chúng ta: Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử lý thường vụ viện Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thầy bị bắt năm 1982 tại Sài Gòn, bị cưỡng bức lưu đầy về Quảng Ngãi trong 19 năm ròng rã, không biết vì tội gì và chưa bao giờ được xét xử. Thế mà Hiến pháp cứ ra rả: " Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tự do " (Ðiều 70), " Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân." (Ðiều 71)
Ngoại trừ điều 4 , nếu đem Hiến pháp của Việt Cộng mà so sánh với Hiến pháp Hoa Kỳ hay bất cứ Hiến pháp của bất cứ quốc gia tự do nào trên thế giới thì Hiến pháp của Việt Cộng cũng đầy đủ không kém ai. Nhưng đó là bánh vẽ tự do chỉ có trên trang giấỹ, thực sự thì người dân chẳng có một cái quyền tự do tối thiểu nào và trường hợp giam cầm thầy Huyền Quang trong suốt nhiều năm không xét xử là một bằng chứng điển hình nhất. Những quyền dân chủ tốt đẹp ghi trong Hiến pháp của Cộng Sản Việt Nam chỉ là những màu mè tô vẽ cho một chế độ phản dân chủ, đã đang và sẽ bị dân chúng cũng như loài người khắp năm châu nguyền rủa và lên án nặng nề. Chế độ Cộng Sản Việt Nam xây dựng hoàn toàn trên sự dối trá và bản Hiến pháp láo khoét là một chứng minh hùng hồn cho sự dối trá đó. Bản Hiến pháp tuy ghi đủ những quyền làm người căn bản nhưng bạo quyền Cộng Sản chẳng bao giờ cho người dân được hưởng tối thiểu cái quyền làm người được ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen ấy.
Thầy Quảng Ðộ đặc biệt nhấn mạnh đến chủ trương tranh đấu của giáo hội là tranh đấu trên nguyên tắc từ, bi. hỉ, xã, chứ không làm chính trị để tranh giành quyền lực. Thầy nói rõ: " Dù tin tưởng vào sự bảo vệ của công luận quốc tế và của nhân dân yêu chuộng công lý trên thế giới, dù lòng mong mỏi chủ quan vào sự thay đổi chính sách tôn giáo sau Ðại hội 9 của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, tôi vẫn dự tri và tiên liệu những trở lực, nguy biến, tù đày và ngay cả sinh mệnh của chúng tôi có thể bị lâm lụy.
Tuy nhiên, sinh mệnh của Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang không ngày càng lâm lụy đó sao? Sinh mệnh của toàn dân không bị uy hiếp đó sao? Cho nên, chúng tôi quyết chí lên đường, mặc bao nguy khốn. Có phải vào tù, thì càng ở giữa lòng dân. Có phải chết, thì chết cùng hạnh nguyện từ, bi, hỷ, xả, độ người. Chứ không chết vì căm thù hay tranh chấp với bạo lực. Người tăng sĩ không lựa sóng theo chiều, không ngồi nhìn thành bại, không chịu cứu nguy đồng đạo, mặc lương dân thống khổ, mặc hàng Giáo phẩm Cao tăng bị ngục tù vây hãm Pháp Âm.
Nay chúng tôi cần sự hộ trì, hộ lực của quý liệt vị, trong cũng như ngoài nước, để cuộc hành trình của chúng tôi ra Quảng Ngãi được viên thành.
Thầy Quảng Ðộ đề ra những chuyện làm cụ thể cho người trong nước và ngoài nước để hỗ trợ cho chuyến đi như sau:
" Xin tất cả các chùa viện, cơ sở các cấp Giáo Hội, trong và ngoài nước, chân thành tổ chức liên tục lễ Cầu an cho Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, cho đến khi nào Ðại Lão Hòa Thượng về đến Sài Gòn. Nếu đủ thiện duyên, xin các cấp tỉnh hội hãy cùng về Quảng Ngãi trong ngày 7 tháng 6 năm 2001 để tháp tùng với chúng tôi. Tuyệt đối giữ lòng thanh tịnh và bất bạo động trên đường đi. Nếu bị ngăn cản, thì ngồi xuống an nhiên niệm Phật hoặc nhập từ bi quán, không chống trả bất cứ khiêu khích hay bạo tàn nào. Việc chúng ta làm hợp lý, hợp tình, không trái chống luật pháp...Kẻ bất hợp pháp trong việc tiếp tục giam giữ Ðại Lão Hòa Thượng, không chịu thực thi Nghị Ðịnh 51/CP của nhà nước, chính là cơ quan Công An Quảng Ngãi.
...Những hành xử của cơ quan Công an tỉnh Quảng Ngãi suốt 19 năm qua đối với Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang hoàn toàn phàn chống các điều Hiến pháp quy định và bảo hộ. Nếu không nói là qua tay Công An, nhà nước đang cố tình giết chết một Cao Tăng Phật Giáo, một cụ già hiền lương đau yếu, mà các Công Ước quốc tế sẽ ghép vào " tội phạm chống nhân loại" . Trách nhiệm này , Ðảng và nhà nước CHXHCNVN phải mang lấy trước lịch sử, trước lương tri của hàng chục triệu tín đồ Phật giáo và trước công luận thế giới.
.... Các cấp Giáo hội tại hải ngoại, nếu có dự trù biểu dương tại các thủ đô hay trước các cơ quan quốc tế, thì cũng xin nhất tâm tổ chức trong tinh thần bất bạo động của Phật Giáo. Chú trọng vào phong thái thanh tịnh, tỏa chiếu từ Bát chánh đạo để tạo cảm thông đến người qua đường cũng như các cơ quan mình muốn đạo đạt.
Xin Ðức Phật hộ trì cho tất cả chúng ta."
Ngày 23 tháng 5 năm 2001, trong cuộc điện đàm với phóng viên Ỷ Lan của Ðài Á Châu Tự Do, thầy Quảng Ðộ còn cho biết thêm là trên phương diện pháp lý, Hòa Thượng Huyền Quang là một người tự do vì đã hết thời hạn quản chế. Không thể kéo dài tình trạng giam lỏng, đầy đọa một cụ già 83 tuổi như thế được nữa. Trách nhiệm của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất là phải cứu Hòa Thượng. Nếu nhà nước Cộng Sản cố tình ngăn cản cuộc đi rước Hòa Thượng Huyền Quang về Sài Gòn là coi như Cộng Sản đã vô tình hay cố ý muốn giết Hòa thượng, mà phải nói cố tình đúng hơn là vô tình.
Thầy Quảng Ðộ yêu cầu những Giáo hội trong những tỉnh từ Quảng trị cho đến Phú Yên, Bình Ðịnh cùng tham gia phái đoàn đi giải cứu sinh mạng thầy Huyền Quang, người lãnh đạo tối cao của Giáo hội. Lời yêu cầu của thầy Quảng Ðộ đã nhận được sự hưởng ứng của Tăng Ðoàn Thừa Thiên Huế. Hòa Thượng Thiện Hạnh cho biết thầy sẽ cử một phái đoàn lên đường để vào Quảng Ngãi giải cứu thầy Huyền Quang. Hy vọng những tăng đoàn khác sẽ học hỏi tinh thần "vô úy" của Ðạo Phật để cùng nhập cuộc đấu tranh. Trong gian nan, nguy hiểm mới thấy rõ ai là cao tăng phát huy đạo pháp, ai là kẻ nương cửa từ bi để sống nhờ ở đậu, chỉ biết có quyền lợi ích kỷ của mình và dửng dưng trước sự lâm nguy của đồng đạo. Sinh mạng của thầy Huyền Quang là quan trọng hơn hết. Thầy yêu cầu các tăng ni Phật tử dốc lòng cầu nguyện cho chuyến đi đến khi mang được thầy Huyền Quang về Sài Gòn.
Nói đến trách nhiệm của sinh viên học sinh trong chuyện cứu nước, thầy Quảng Ðộ đã phân tích sâu xa rằng trong hơn nửa thế kỷ qua (riêng Miền Nam thì hơn 26 năm qua), sinh viên học sinh bị nhồi sọ trong chủ thuyết Mác Lê. Tâm trạng của giới sinh viên bây giờ là chỉ mong học hành tốt nghiệp, kiếm được công việc có lương cao và thờ ơ với các vấn đề chính trị. Cộng Sản đã dạy và huấn luyện và nhào nặn thanh niên nói và làm theo chủ nghĩa Mác, đặt tư tưởng Mác Lê Nin là nền tảng chi phối mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Người thanh niên luôn nơm nớp lo sợ mình đi trật đường hay lỡ miệng, lỡ mồm này nọ. Cái nguyên tắc "Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người" đã dần dần biến thanh niên Việt Nam thành những con thỏ nhút nhát và ngoan ngoãn, chỉ biết tuân lệnh và ca tụng Ðảng mà không dám phản kháng. Ðảng đã đồng hóa lòng yêu nước với chủ nghĩa Cộng Sản, vì thế nên năm 1974 Trung Cộng đem quân chiếm Hoàng Sa (với sự thỏa thuận ngầm của Mỹ), Việt Cộng im lặng không dám phản đối. Nói lên sự thỏa thuận ngầm của Mỹ trong chuyện Trung Cộng chiếm Hoàng Sa để thấy người Mỹ không phải lúc nào là một đồng minh đáng tin cậy tuyệt đối của người quốc gia chống Cộng. Suy cho cùng thì có nước nào lại hết lòng, hết sức với đất nước và con người Việt Nam. Họ vào Việt Nam cũng vì quyền lợi và đi ra khỏi Việt Nam cũng chỉ vì vấn đề quyền lợi thế thôi. Ăn thua là tài giỏi của người lãnh đạo, biết nương vào các thế lực quốc tế mà mang lại quyền lợi tối thượng cho tổ quốc Việt Nam. Ðảng Cộng Sản chỉ kêu gọi thanh niên khi bản thân Ðảng lâm nguy chứ nếu Tổ quốc lâm nguy mà Ðảng bình an thì cũng không sao. Ðất nước giờ đây đang bị lâm nguy, kinh tế thì èo uột, nhân dân nghèo đói, lạc hậu, tham ô tham nhũng tràn lan đến tình trạng bất trị, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng. Cả xã hội như một nồi cám heo nhầy nhụa. Nhưng Ðảng không kêu gọi thanh niên đứng lên cứu đất nước lụn bại vì bộ máy nhà nước chuyên chế của Ðảngá chưa bị lâm nguy và vẫn đang trong tình trạng bình an dù những chuyện rối rắm đã manh nha. Thanh niên khi được sinh ra và lớn lên trong một môi trường như thế thì không làm gì khác hơn là chỉ còn nghe những chỉ thị do Ðảng ban bố và coi như thờ ơ với thời cuộc. Nhưng ngày nay với xu thế toàn cầu hóa, tự do nhân quyền là sinh lộ của loài người thì dân chủ sớm muộn gì cũng đến với nhân dân Việt Nam và thanh niên Việt Nam rồi cũng phải nhập cuộc. Người ta có thể bịt miệng một nhóm người trong một thời gian dài và một số đông người trong một thời gian ngắn nhưng không thể bịt miệng một dân tộc vĩnh viễn được. Cho nên thanh niên Việt Nam trong nước phải can đảm mà đứng lên theo gương của thanh niên Ðông Ðức, Nam Dương và Phi luật Tân để dấn thân phá bỏ xích xiềng để đem lại tự do, dân chủ nhân quyền cho người dân. Căn bản và chủ động là thanh niên trong nước, thanh niên hải ngoại rán lo về mặt thông tin, làm sao loan tin rộng rãi và đầy đủ về những cuộc đấu tranh sắp xảy ra cho đồng bào quốc nội và quốc ngoại. Chủ yếu là cần tiếp tục tiến hành chiến dịch "chuyển lửa" vào trong nước vì đồng bào trong nước nói chung là vẫn sống trong tình trạng bưng bít, thiếu thông tin.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất hạnh. Trong gần 100 năm nay người dân Việt Nam chưa được hít thở không khí tự do, cho nên hơn bất cứ dân tộc nào khác, người dân Việt Nam có khát vọng dân chủ mãnh liệt và thiết tha và hy vọng bè bạn khắp năm châu sẽ hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ nhân quyền thiêng liêng này bằng mọi cách.
Vào ngày 7 tháng 6 năm 2001 tới đây, trước mặt Thanh Minh Thiền Viện số 90 đường Trần huy Liệu , quận Phú Nhuận, hy vọng sẽ có đông đảo đồng bào Phật tử cũng như không Phật tử đến để chào đón sự lên đường của thầy Quảng Ðộ đi giải cứu thầy Huyền Quang, mở đầu cho một vận hội mới của dân tộc Việt Nam. Khi người dân không còn sự sự tàn bạo, đàn áp của bạo quyền thì bạo quyền ấy sớm muộn gì cũng sụp đổ. Thế giới ngày nay đã mở toang cho nên Công an, Bộ đội sẽ không dám bắn vào hàng ngàn người xuống đường biểu tình mà có khi lại gia nhập luôn vào đoàn biểu tình vì thấy cái chính nghĩa tất thắng của đoàn biểu tình như cảnh sát Nam Tư đã từng làm. Và Công an và bộ đội cũng đủ khôn ngoan không bắn vào đoàn người biểu tình trong giai đoạn này vì họ sẽ phải nhận lấy hậu quả một mai khi bạo quyền sụp đổ. Cho nên điều chắc chắn là khi nào có hàng ngàn người tràn xuống Hà Nội, Sài Gòn, Huế và những tỉnh khác trên toàn quốc Việt Nam thì đó là ngày tàn của chế độ Cộng Sản hung hiểm tàn độc ở Việt Nam. Vấn đề bây giờ là phải vận động quần chúng, liên lạc kết hợp để có cuộc xuống đường ấy. Cuộc đấu tranh nào không tránh khỏi chuyện mất mát, hy sinh và truyền thống anh hùng, bất khuất của người Việt Nam đã cho thấy người Việt Nam sẽ dùng máu mình để rửa những nhục nhằn, đau thương do bạo quyền gây ra , cũng như sẽ dùng chính sức lực của mình để phá vỡ xích xiềng của bạo lực.
Nếu các thầy Quảng Ðộ, Thiện Hạnh biết lên đường để đi giải cứu thầy Huyền Quang đồng đạo của mình thì thiết tưởng Hội Ðồng Giám Mục Việt nam cũng nên tính kế hoạch tập hợp giáo dân để đi giải cứu Linh mục Nguyễn văn Lý hiện đang bị giam cầm hết sức phi lý, và Hội Ðồng Trưởng Lão của Phật Giáo Hòa Hảo tại An Giang cũng nên dẫn một phái đoàn lên Sài Gòn giải vây cho người hội trưởng kiên cường Lê quang Liêm hiện đang bị giam cầm tại gia. Mỗi tôn giáo đều có bổn phận phải cứu người đồng đạo của mình hiện đang bị bức bách giam hãm. Không thể viện bất cứ lý do nào để che dấu sự hèn nhát, tham sinh úy tử của mình. Thầy Quảng Ðộ và thầy Thiện Hạnh đã đi tiên phong, những người ở những tôn giáo khác nên theo gương đó mà hành động. Có làm như thế thì mới tổng hợp được sức mạnh đấu tranh và làm cho ngày tàn của Ðảng Cộng Sản gian ác ngày càng rút ngắn.
Cứ nhìn xem một Ðảng Cộng Sản hùng mạnh, gian ác như Ðảng Cộng Sản Liên Xô mà đã tan rã trong vòng chỉ có 3 ngày, cứ nhìn toàn bộ các chế độ Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ theo kiểu dây chuyền Domino thì cái ngày Ðảng Cộng Sản Việt Nam sụp đổ trong một thời gian mau chóng cũng sẽ không làm ai ngạc nhiên. Có nhìn cuộc thịnh suy của một dân tộc dưới cặp mắt của một thiền sư như Thiền sư Vạn Hạnh mới tránh khỏi sự ngỡ ngàng, xao xuyến:
Thân như sấm chớp,
có rồi không
Cây cối Xuân tươi,
Thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy đừng
sợ hãi
Thịnh suy: ngọn cỏ giọt
sương hồng.(*)
Sự thịnh suy của một dân tộc chỉ được coi như giọt sương hồng đầu ngọn cỏ thì có sá gì những bạo lực của bạo quyền rán đàn áp ngọn sóng đang dâng lên như triều dâng sóng vỗ trước ngày lịch sử sang trang. Chế độ Cộng Sản Việt Nam rồi cũng sẽ tàn lụi như bao chế độ hà khắc khác trong lịch sử Việt Nam. Người Việt Nam hôm nay, trong cũng như ngoài nước, phải tham gia trận đánh rửa nhục cho cả một dân tộc và khi mang trong đầu một tâm thức rõ ràng như thế thì chuyện dấn thân là chuyện bắt buộc phải làm.
Ngày xưa Vạn Hạnh thiền sư đã phải rời chốn thiền môn để dấn thân vào chốn chính trường gió tanh mưa máu để rồi xây dựng nên nhà Lý (do Lý công Uẩn vốn là một đệ tử của thiền sư )mà đến bây giờ ai cũng công nhận triều đại nhà Lý là thời gian vàng son hoa gấm của dân tộc. Ngày nay lịch sử lại lập lại, người Việt Nam hôm nay sẽ theo bước chân của vị Hòa Thượng đại hùng, đại trí, đại bi là thầy Quảng Ðộ để quật ngã chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản hầu mang lại tự do cho thầy Huyền Quang là chuyện trước nhất, sau đó là đòi quyền dân chủ nhân quyền cho mỗi người dân Việt Nam để từ đó xây dựng một nước Việt Nam thái bình, giàu mạnh.
Giờ lên đường đã điểm. Mọi sự ngần ngại, hèn nhát, không nhập cuộc được coi là một tội lỗi không thể tha thứ đối với đất nước và con người Việt Nam. Bỏ qua trân đánh lịch sử này thì xích xiềng và gông cùm Cộng Sản còn đày đọa người Việt không biết đến bao giờ mới thôi.
Lịch sử Việt Nam cận đại sẽ ghi nhận ngày lên đường của thầy Quảng Ðộ (ngày 7 tháng 6 năm 2001) là ngày bắt đầu cho quyền làm người của người Việt Nam được tái lập, ngày khai mở cho quyền dân chủ của người Việt Nam được tôn trọng và là ngày đánh dấu đáng ghi nhớ của quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam được thăng hoa.
Lawndale, một chiều nắng
nhạt êm ả trung tuần tháng 5 năm
2001
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG
* Nguyên văn chữ Hán của bài thơ của Vạn Hạnh thiền sư như sau:
"Thân như điện ảnh,
hữu hoàn vô
Vạn vật xuân vinh, thu hựu
khô
Nhậm vận thịnh suy, vô
bổ úy
Thịnh suy như lộ thảo
đầu phô".