Worldcup, Bồn Lừa và nỗi nhục XHCN

 

Trong những ngày qua, báo chí trong nước tràn ngập tin tức và hình ảnh worlcup tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhân dân các quốc gia có phái đoàn bóng đá tham dự Worldcup hồi hộp theo dõi đội nhà trong những trận đấu quốc tế, cả nước đau buồn khi đội nhà bại trận, và reo hò vui mừng khi đội nhà đem chiến thắng về cho đất nước.

 

Trong khi đó, người Việt yêu bóng đá đi tìm niềm vui worldcup qua những màn cá độ được tổ chức “trọng thể” khắp nơi trong nước, từ nam đến bắc. Cả nước nín thở hồi hộp nhìn các đội bóng Đại Hàn, Senegal, Pháp, Hoa Kỳ, Brazil giao tranh vì sợ bị thua cá độ worldcup.

 

Những người còn thao thức đến đất nước không thể không đặt một số vấn đề trước những hiện tượng xẩy ra chung quanh Worldcup được tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Thứ nhất, tại sao Việt nam sau gần 30 năm hoà bình không có khả năng tạo ra được một đội bóng đá khả dĩ có thể tham dự tranh giải Worldcup.

 

Thứ hai, tại sao Hàn Quốc (Triều Tiên hoặc Đại Hàn) là một nước trong thời gian chiến tranh bị đảng Cộng Sản gọi là “chó săn của đế quốc Mỹ” bây giờ đạt dưọc những phép lạ kinh tế để có thể có khả năng làm quốc gia tiếp đón Worldcup.

 

Để tìm câu trả lời cho hai hiện tượng nầy chúng ta không thể nào không xét lại “khả năng và tài lãnh đạo” đất nước của đảng Cộng Sản Việt nam.

 

Thứ nhất bóng đá hay túc cầu là một môn thể thao phổ thông khắp ba miền đất nước. Không phải đợi đến Worldcup 2002 mới thấy dân Việt nam mê bóng đá. Nỗi đam mê bóng đá của người Việt nam được nhà văn Duyên Anh mô tả tuyệt vời trong tiểu thuyết “Bồn Lừa”. trong tác phẩm nầy, nhà văn Duyên Anh đã nói lên giấc mơ của trẻ em Việt nam trong thời kỳ đất nước chinh chiến. Nhân vật chính trong câu chuyện là cậu bé lên 10 (nếu tôi nhớ không lầm) tên Bồn. bồn được bạn bè trong xóm đặt cho tên “Bồn lừa” vì tài lừa banh trên sân cỏ. Bồn lừa mơ được trở thành người hùng Quang Trung trong trận chiến trên sân cỏ. Trong giấc mơ, dưới tài lãnh đạo của thủ quân Bồn lừa, đội tuyển Việt nam đã chiến thắng đội tuyển Ba Tây (Brazil) với cầu thủ lừng danh Pelé. Trong bối cảnh chiến tranh đầy máu xương đang diễn trên quê hương lúc đó, nhà văn Duyên Anh đã cho tuổi thơ Việt nam một giấc mơ lớn và đẹp. Diều đáng chú ý là “Bồn Lừa” xuất hiện vài năm sau năm 1966 khi đội tuyển quốc gia Việt nam mang về huy chương vàng trong giải túc cầu Merdeka của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á tổ chức tại Kuala Lumpua, Mã Lai Á.

 

Nhưng giấc mơ của Bồn Lừa đã bị chấm dứt, như hàng triệu giấc mơ của tuổi trẻ Việt Nam khi cuộc chiến kết thúc năm 1975. Kết thúc không phải giấc mơ của bồn Lừa đã thành hiện thực, nhưng kết thúc vì dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt nam, đất nước đã đi vào một chu kỳ đen tối nhất trong lịch sử 5000 năm dựng nước. Cả nước đã trở thành một nhà tù vĩ đại và nói theo nhà văn Vũ Thư Hiên là mỗi một công dân Việt nam trở thành một người tù dự khuyết. Thay vì thực hiện giấc mơ của tuổi trẻ Việt Nam như ước mơ nhân vật Bồn Lừa, đảng Cộng Sản đã đưa cả đất nước vào cuộc đấu tranh giai cấp, tiêu diệt tư sản đầy máu và nước mắt. Đánh tư sản, đổi tiền, bán bãi cho người vượt biên. Hàng trăm ngàn tù nhân bị giam cầm khắp nơi vì đã tham gia cuộc chiến.

 

Đảng Cộng Sản không thấy được những thay đổi của thế giới. Trò chơi mới của thế giới không phải đem xương máu của nhân dân nướng vào chiêùn tranh hay đem đất nước làm mũi xung kích của khối xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh của một quốc gia trong trò chơi mới được biểu hiện qua những cuộc so tài thể thao quốc tế. Việt nam ngày hôm nay không thể theo duổi được cuộc chơi mới nầy vì đảng Cộng Sản đã không thấy được trò chơi mới của thế giới. Không thấy được vì họ như con lừa, bị cái chủ thuyết xã hội chủ nghĩa che hai bên mắt. Đau đón hơn, là con lừa đó đang lãnh đạo đất nước, và lầm lũi đem cả tài nguyên và nhân lực của nhân dân để dẫn đất nước đến những bờ vực thẵm kinh tế và chính trị. Dó là nguyên nhân để giấc mơ của Bồn Lừa không trở thành hiện thực.

 

Mặt khác, khi nhìn qua Dại Hàn, nhân dân Việt nam không khỏi ngậm ngùi tủi thân. Năm 1965 khi chiến tranh bắt đầu leo thang tại Việt nam thì người dân Dại hàn còn nghèo đói. Mùa đông, đa số dân Dại hàn phải mặc áo thật dầy vì nhà ở không có trang bị lò sưởi và người dân không có đủ tiền để sắm lò sưởi trong nhà. Những người lính Dại Hàn hăng hái tham chiến ở Việt nam vì, một phần, đi lính ở Việt nam sướng hơn ở nhà. Họ nhẫn nại khi bị guồng máy tuyên truyền chiến tranh của đảng Cộng Sản Hà Nội gọi là “chó săn của đế quốc Mỹ”. Trong khi Đại Hàn chập chững đi vào kỹ nghệ hoá, thì miền Nam Việt Nam đã là trung tâm thương mại của Á Châu, trước cả Singapore và ngang ngữa với Hongkong. Khi chiếc xe hơi La Dalat được sản xuất tại Việt nam thì Hyundai, Samsung, Daiwu còn là những lò rèn lênh láng mồ hôi của nhân dân lao động. Khi Ba Son là trung tâm sửa chửa tàu bè lớn nhất Đông Nam Á, thì Pusan hãy còn là bãi đất hoang. Tất cả những thành quả kinh tế của miền nam được đảng Cộng sản đem toàn lực lượng đảng viên đánh tan tành qua các vụ đánh tư sản mại bản khi đất nước thống nhất năm 1975. Và đảng Cộng Sản đánh tư sản mại bản liên tục cho đến năm 1987 khi kinh tế Việt nam hoàn toàn kiệt quệ trước những chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa quái đản nhất của lịch sử loài người mà chỉ có những người Cộng Sản mới có thể tưởng tượng ra nổi.

 

Trong khi đó, Đại Hàn gia tăng quan hệ kinh tế với Mỹ. Và không cần dài dòng chúng ta cũng thấy rằng ngày hôm nay Đại Hàn đã là cường quốc kinh tế. Trong khi đó Việt nam dưới sự lãnh đạo của ĐCS vẫn loay hoay chuyện kinh tế thị trường với đống hành lý định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ vẫn tiếc cái di sản xã hội chủ nghĩa, một thứ hành lý, đã súyt đưa đất nước vào nạn đói lớn nhất lịch sử.

 

Nhìn qua ống kính truyền hình chúng ta thấy người dân Đại Hàn ngày nay sạch sẽ, kỷ luật, hạnh phúc và đất nước cường thịnh. Họ chỉ có một nửa đất nước, nhưng cái một nửa đó cũng hơn cái đất nước thống nhất của Việt nam đầy vết ghẻ lở, tật nguyền của vết thương xã hội chủ nghĩa.

 

Trong trận Worldcup nầy, nhân dân Đại Hàn âu lo trước trận đấu so tài giữa Đại hàn và Hoa Kỳ. Trò chơi mới, trận chiến mới.Họ quyết tâm hạ Hoa Kỳ trên sân cỏ.

 

Những Bồn Lừa của Đại hàn ngày hôm nay vinh quang tranh tài với thế giới. Trong khi những Bồn Lừa của Việt nam đa bị chế độ Cộng Sản giết chết trong trại cải tạo. Những Bồn Lừa của Việt nam ngày nay đi ra nước ngoài phải cúi gầm vì nhục. Bồn Lừa Việt nam không có cái vinh hạnh được tranh giải với Mỹ hoặc Nhật hoặc Nga. Bồn Lừa Việt Nam đi ra nước ngoài vì phải xuất khẩu lao động. Lao động cho những nước mà đảng Cộng Sản trước đây gọi là “chó săn của đế quốc Mỹ”. Những Bồn Lừa Việt nam ngày nay còn phải miệt mài đi đánh giày, bán vé số cho các du khách Đại Hàn, Đaì Loan, Xingapore, Thái lan, và có lẽ sắp tới là các du khách từ Campuchia và Lào quốc.

 

Worldcup, do đó, là cơ hội cho chúng ta hồi tưởng để tìm về cái căn nguyên của những tủi nhục của đất nước. Đây là cơ hội để cho người Cộng Sản được soi gương chiếu yêu để đánh giá được thành quả tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa, để thấy đuợc chính mình, để thấy cái nhục mà họ đã đem lại cho dân tộc Việt Nam. Và đây là cơ hội cho nhân dân Việt nam thấy rõ hơn cái tệ hại của chế độ tồn tại bằng bạo lực và tuyên truyền giả dối.Nhờ thấy rõ hơn,người dân Việt Nam sẽ có những hành động cụ thể và quyết liệt nhằm gở bỏ mọi chướng ngại vật làm cản trở đường sống còn nối tiến hoá của dân tộc Việt. Hơn thế nữa, đây là cơ hội cho những Bồn Lừa Việt Nam đứng lên lật đổ cái chế độ đã giết đi giấc mơ thành người hùng Quang Trung trên sân cỏ quốc tế.

 

 

Triệu Hải Âu

Mùa Worldcup 2002