ĐƯA VIỆT CỘNG
RA TÒA LIÊN BANG MỸ
Nguyễn Đạt Thịnh
Ngày thứ ba, mồng 2 tháng Bẩy 2002, tờ
Honolulu Advertiser đăng trên trang A 3 một bản tin ngắn nguyên văn như sau:
Nữu Ước - Một phiên tòa liên bang đã
khuyến cáo xử phạt đảng cầm quyền tại Zimbabwe
$73 triệu Mỹ Kim về tội tra tấn và sát hại những người đối lập.
Ong James
Francis, thẩm phán liên bang đã phổ biến một cáo trạng dài 32 trang về vụ án
được đảng viên của đảng đối lập khởi tố gần hai năm trước cáo buộc là họ đã bị
tấn công, hoặc đã chứng kiến thân nhân của họ bị đảng Mặt Trận Phi Châu Yêu
Nước (ZANU-PF) của Tổng Thống Zimbabwe Robert Mugabe sát hạị
Một đạo
luật của Hoa Kỳ cho phép người ngoại quốc khởi tố về những tội ác quốc tế, khi
hoàn cảnh hiện tại không cho họ (thuận tiện) để khởi tố tại tòa án trong nước
họ. Bản án của tòa có thể khó thi hành, nhưng lại mở đường cho việc tịch thu
tài sản của đảng ZANU-PF tại Hoa Kỳ.
Người Mỹ không quan tâm đến bản tin ngắn,
một cột, trang 3 này, vì việc nhà cầm quyền hành pháp tra tấn và sát hại những
người đối lập và thân nhân họ là việc không bao giờ xẩy ra cho người Mỹ, và
Zimbabwe cũng cách họ quá xa, không tạo ra bất cứ liên quan nào. Nhưng đối với
người Việt Hải Ngoại bản tin đó lại chuyên chở một diễn biến quan trọng. Quan
trọng vì chúng ta có những tương đồng với người Zimbabwe, và có thể noi gương
họ đem ngụy quyền Cộng Sản Việt Nam ra tòa.
Chỉ riêng việc đảng Cộng Sản Việt Nam bị
truy tố trước pháp luật cũng đủ khiến chúng ta mát ruột. Huống hồ chúng còn có
thể bị phạt, bị bồi thường, và tài sản của chúng tại Mỹ bị tịch thâu.
Dĩ nhiên chúng ta thích noi gương những
sắc dân hiện đang hùng mạnh hoặc đã từng có một quá khứ hiển hách, chứ không ai
muốn noi gương người Zimbabwe, một giống dân chưa có tên trong tự điển Anh Việt
Nguyễn Văn Khôn. Nhưng phải ngay thẳng nhìn nhận là chúng ta chưa làm được việc
thưa kiện mà người Zimbabwe đã làm, và nếu bắt chước được người Zimbabwe trong
việc thực hiện một vụ kiện chính trị, chúng ta bước một bước khá dài trong tiến
trình 27 năm chống cộng ở Hải Ngoại: Lần này chúng ta chủ động đưa Việt Cộng ra
tòa chứ không thụ động ngồi chờ chúng treo cờ, hát xướng tuyên truyền, vẽ tranh
triển lãm, rồi mới phản ứng rầm rộ xuống đường, và hăng say biểu tình.
Tuy nhiên khởi tố tội ác của Việt Cộng và
thắng kiện trước tòa án Hoa Kỳ là việc làm đòi hỏi (1) một kế hoạch tinh vi,
(2) kế hoạch này cần được phổ biến rộng rãi để mọi người cùng thảo luận chi tiết
hầu kiện toàn kế hoạch và (3) chuyển kế hoạch thành hành động. Không một yếu tố
nào trong cả 3 yếu tố này có thể thiếu mà vụ kiện không thất bạị
KẾ HOẠCH KHỞI TỐ VIỆT
CỘNG.
Chỉ riêng hai chữ “kế hoạch” cũng đã
chuyên chở đủ nhiều khó khăn đối với người Việt hải ngoại để tạo vấp ngã cho
chúng ta. Hăm bẩy năm qua, chưa lần nào chúng ta vượt thắng được trở lực nàỵ
Chúng ta không vượt được, không thắng
được, vì hai chữ “kế hoạch” coi như đơn giản, nhưng lại tiềm ẩn đến 5 tính chất
phức tạp: (1) dài hạn, (2) thứ tự, (3) cộng tác, (4) tài trí, và (5) chân
thành.
Bản chất chung của hai triệu người Việt
hải ngoại là toàn bộ chúng ta đều là nạn nhân cộng sản, và mẫu số chung của
chúng ta là chống cộng. Ấy vậy mà cho đến giờ này chúng ta vẫn chưa có một kế hoạch
chống cộng nào cả. Điều khó tin này lại là sự thật, dù đáng buồn nhưng không
lấp liếm chối cãi được.
Dĩ nhiên chúng ta có thái độ cương quyết
chống cộng, và cũng đã từng có nhiều hoạt động chống cộng sôi động, ngoạn mục.
Không ai phủ nhận được chống cộng là lập trường chung, và cương quyết là thái
độ chung của mọi người, nhưng cho đến giờ này mỗi người chúng ta vẫn là một cô
đảo riêng rẽ.
Hoạt động chống cộng của chúng ta có sôi
động, có đẹp mắt nhưng vẫn mang tính chất phản ứng giật mình, không liên tục,
không tiếp nối. Năm 1975 chúng ta chống cộng ở khởi điểm A, B, C. Năm 2002, hăm
bẩy năm sau chúng ta vẫn cứ chống cộng ở khởi điểm A, B, C.
KHỞI ĐIỂM CỦA KẾ HOẠCH
KHỞI TỐ VIỆT CỘNG.
Khởi điểm hợp lý nhất của kế hoạch khởi tố
Việt Cộng phải là xác định căn bản khởi tố. Chúng ta tố giác Việt Cộng vi phạm
những tội danh nào, và chúng ta dựa trên những chứng cớ nào, những trường hợp
cụ thể nào để chứng minh tội trạng của chúng trước tòa án Mỹ.
Đảng đối lập với đảng cầm quyền Mặt Trận
Phi Châu Yêu nước (MTPCYN) của Tổng Thống Robert Mugabe kiện MTPCYN trước tòa
án Liên Bang tại Nữu Ước về hai tội hình sự: (1) tra tấn họ, và (2) tra tấn và
sát hại thân nhân của họ.
Cộng Sản Việt Nam phạm không chỉ hai tội
này mà thôi. Tất cả chúng ta đều biết những trại tù khổ sai, mạo danh thành
những trại cải tạo là những nhà tù khủng khiếp hơn mọi nhà tù khác của loài
người, vì mang nặng ba tính chất (1) hiểm độc, (2) man rợ và (3) trả thù.
Một đặc tính khác nữa của những trại tù
khổ sai cải tạo của Việt Cộng là phạm pháp, đặc tính cần được thảo luận tỉ mỉ
vì chúng ta sẽ khai thác góc cạnh tư pháp này để tố tụng.
Trại khổ sai cải tạo của Việt Cộng có ba
điều phạm pháp: (1) cách bắt giam, (2) cách giam giữ, và (3) thời gian giam
giữ.
1\. Chúng bắt giam chúng ta căn cứ trên
những quyết định của hành pháp, chứ không phải một bản án của tòa. Điều này
không đúng với luật pháp Mỹ giới hạn quyền giam giữ của hành pháp trong vòng
một vài ngày. Quyền giam giữ dài hạn là quyền tư pháp với những đảm bảo là can
nhân được hưởng mọi quyền bào chữa hữu hiệu của luật sư, dù họ có tiền mướn
luật sư hay không.
2\. Cách giam giữ của chúng cũng phạm pháp
vì (1) chúng bóc lột sức lao động của chúng ta trong lúc chúng giam giữ chúng
ta, không trả thù lao cho chúng ta khi bắt chúng ta lao lực, mà còn hưởng thụ
những thành quả lao động này; (2) chúng còn không cung cấp cho chúng ta những
chăm xóc y tế tối thiểu; và cũng không tạo thuận lợi thăm nuôi cho gia đình
chúng tạ
3\. Giam giữ vô thời hạn là điều phạm pháp
thứ ba. Bất cứ một tù nhân người Mỹ, hay người thuộc bất cứ quốc gia tự do nào
cũng có quyền được biết thời gian họ bị giam giữ là bao lâu. Chúng ta không
biết.
Nói tóm lại Việt Cộng bắt giam chúng ta
trái phép, bắt chúng ta làm việc không công trái phép, không cung cấp tiện nghi
y tế, tiện nghi thăm nuôi, và giam giữ vô thời hạn. Tất cả những điều này đều
không đúng với luật pháp Mỹ.
Trong thế chiến thứ nhì, chính phủ Mỹ giam
giữ trái phép người Mỹ gốc Nhật, đã phải xin lỗi và bồi thường những người này.
Sự tương đồng giữa hai chế độ quản thúc bất hợp pháp đó có thể đem so sánh và
rút ra những khác biệt, những tương đồng để xử dụng trong lập luận tố tụng.
Tương đồng là cả hai chế độ giam giữ cùng
là những biện pháp sinh cầm cưỡng bách. Như vậy nếu những trại tập trung người
Mỹ gốc Nhật phạm pháp thì những trại khổ sai cải tạo cũng phạm pháp. Chính phủ
Mỹ đã phải xin lỗi và bồi thường người Mỹ gốc Nhật thì cộng sản Việt Nam cũng
phải xin lỗi, phải bồi thường cho những tù nhân khổ sai cải tạo Việt Nam.
Tương đồng chỉ giới hạn vào tính chất sinh
cầm cưỡng bách. Sau đó là khác biệt.
Khác biệt thứ nhất là người Mỹ gốc Nhật bị
tập trung và sinh cầm cưỡng bách nhưng không bị cưỡng bách lao động, và lao
động không công.
Chế độ cưỡng bách khổ sai, và làm không
công này đã tạo thiệt thòi rất nhiều cho chúng ta. Nhiều người mất đến 17 năm
hạnh phúc, mất gia đình, mất môi trường giáo dục con cái, khiến tương lai của
chúng bị ảnh hưởng. Dù chỉ tính những mất mát này trên giá trị lao động, và chỉ
tính thù lao của chúng ta $1 mỗi giờ trong việc chém tre đẵn gỗ, nuôi heo, nuôi
bò, lao động thủy lợi, v.v... thì Cộng sản Việt Nam cũng đã thiếu nợ chúng ta
nhiều lắm. MTPCYN củaTổng Thống Mugabe chỉ bị phạt có 73 triệu, chứ ngụy quyền
cộng sản Việt Nam thì dù có phạt 73 tỉ sợ vẫn chưa đủ trả nợ mồ hôi, ấy là chưa
nói đến nợ máu, nợ nước mắt.
Khác biệt thứ nhì là tù nhân cải tạo Việt
Nam bị tra tấn, hành hình, và nhục mạ trong lúc nạn nhân người Mỹ gốc Nhật
không phải chịu những cực hình nàỵ
Khác biệt thứ ba là nạn nhân người Mỹ gốc
Nhật không bị chia cách với gia đình, không bị biệt giam trong những vùng rừng
thiêng nước độc, xa cách loài người, xa cách thành phố. Hình thức biệt giam và
giam giữ vô thời hạn này đã giết chết hy vọng đợi chờ của nhiều người vợ tù
nhân, khiến tạo ra những đổ vỡ gia đình của tù nhân. Đây là một tội ác chống
nhân loại mà tòa án Mỹ sẽ nhận ra và sẽ trừng phạt bị can Việt Cộng.
Khác biệt thứ tư là chính phủ Mỹ còn có
tình trạng chiến tranh Mỹ-Nhật lúc đó đang diễn ra để biện minh cho việc giam
giữ người Mỹ gốc Nhật; đảng cộng sản Việt Nam không có tình trạng chiến tranh
để biện minh. Không những chiến tranh đã chấm dứt, mà đến cả 17 năm sau ngày đã
có hòa bình chúng vẫn còn duy trì trại khổ sai cải tạo. Chúng chỉ có thể biện
minh việc giam giữ độc ác của chúng bằng thù hận, một loại tội ác gia trọng mà
người Mỹ liệt vào hạng hated crimẹ
ĐIỂM THỨ NHÌ: AI SẼ ĐỨNG
NGUYÊN ĐƠN.
Người viết đã đề nghị khởi điểm của kế
hoạch khởi tố Việt Cộng là xác định căn bản khởi tố, xác định chúng ta đưa cộng
sản Việt Nam ra tòa về tội danh giam giữ bất hợp pháp, hành hạ, nhục mạ, tra
tấn, và giết người để trả thù, cưỡng bách lao động và lường công tù nhân, không
cung cấp chăm xóc y tế, gây trở ngại thăm nuôi, và tạo đổ vỡ gia đình tù nhân.
Đây là những tội ác mà pháp luật Mỹ đã có
dự trù, đã trừng phạt, và cũng đã có tiền lệ, trừ tội ác tạo đổ vỡ gia đình tù
nhân, tội ác đầy dã tâm đến mức chưa bao giờ luật pháp Mỹ phải phân xử. Tuy
nhiên trên nguyên tắc trừng phạt kẻ gây thiệt hại cho người khác, tòa án Mỹ cũng
sẽ trừng phạt Việt Cộng nếu chúng ta chứng minh được là việc biệt giam vô thời
hạn và gây khó khăn thăm nuôi đã tạo ra đổ vỡ trong gia đình người tù nhân.
Sau khởi điểm người viết xin đề nghị điểm
thứ nhì là chúng ta dựa trên những trường hợp cụ thể nào để chứng minh tội
trạng của Việt Cộng trước tòa án Mỹ. Việc làm này có thể coi như thiên nan, vạn
nan đối với bất cứ dân tộc nào, trừ dân tộc Việt Nam. Khó thiên nan, vạn nan vì
tòa án chỉ căn cứ trên những dữ kiện có thật được chứng minh với bằng cớ hoặc
nhân chứng.
Không khó đối với người Việt Nam, vì chúng
ta có hàng trăm ngàn nhân chứng sống để chứng minh tội trạng của Việt Cộng.
Trong số hàng trăm ngàn người này, có thể có đến hàng ngàn người sẵn sàng đứng
nguyên đơn, và vụ kiện sẽ biến thành một vụ kiện tập thể (class action law
suit), khiến kết quả của bản án được áp dụng cho mọi tù nhân khổ sai cải tạo,
dù họ không phải là nguyên đơn trong vụ tố tụng.
Hàng ngàn cựu tù nhân chính trị hiện đang
sinh sống trên đất Mỹ đều đã là nạn nhân của việc Việt Cộng bắt giam trái phép,
giam giữ trái phép, cưỡng bách lao động, lường công lao động, thiếu chăm xóc y
tế, ngăn cản thăm nuôi, và đập phá hạnh phúc gia đình.
Những người này sẽ đứng nguyên cáọ
ĐIỂM THỨ BA: NỘI DUNG
ĐƠN TỐ CÁỌ
Người viết xin tiếp tục đề nghị, và thỉnh
cầu quý độc giả sửa chữa, bổ khuyết, vì như đã trình bày ở trên là kế hoạch
trực tố Việt Cộng sẽ không thành hình nếu không có người đề nghị, và sẽ không
thành công nếu đề nghị không được thảo luận rộng rãi, sửa chữa nghiêm chỉnh, và
bổ khuyết chu đáo. Nhưng một kế hoạch tuyệt vời cũng sẽ không thành công nếu vì
một lý do nào đó mà kế hoạch không biến được thành hành động.
Phần thứ ba của bản đề nghị này là nội
dung đơn tố cáo. Đáng lẽ nội dung phải do một luật sư soạn thảo, nhưng người
viết không phải là luật sư, nên xin quý độc giả luật sư sửa chữa và bổ khuyết.
Vì tòa án chỉ căn cứ trên dữ kiện nên nội
dung đơn khởi tố cũng tập trung vào dữ kiện. Xin liệt kê một số dữ kiện mà lá
đơn nào cũng phải có:
1\. Ai khởi tố? (Tên, số an sinh, địa
chỉ.)
2\. Kiện ai? (Chính quyền cộng sản Việt
Nam vì chúng trực tiếp nhúng tay vào tội ác, và cũng vì chúng là kẻ có tóc, có tài sản tại Hoa Kỳ để
bị tịch thâụ)
3\. Tội trạng. (Ngày tháng bắt giam, địa
điểm giam giữ, cung cách giam giữ, Cưỡng bách lao động, lường công tù nhân,
thiếu chăm xóc y tế, gây trở ngại thăm nuôị)
4\. Tổn thất của nguyên đơn. (Bao nhiêu
năm tù, bao nhiêu giờ lao động, bệnh hoạn thương tích hậu quả của giam giữ và
lao động, gia đình tan vỡ, con cái thất học,...)
ĐIỂM THỨ TƯ: GỞI ĐƠN ĐI
ĐÂU
Người viết xin đề nghị một vài tờ báo Việt
Nam đứng ra đóng vai trò vận động khởi tố, làm trung gian nhận đơn, vận động
một vài luật sư đọc và đề nghị với nguyên đơn những sửa đổi cần thiết, và đề
nghị những luật sư này đứng đại diện cho các nguyên đơn để đưa vụ án ra trước
pháp luật.
ĐIỂM THỨ NĂM: LUẬT SƯ
PHÍ.
Thù lao của luật sư nên thực hiện theo
phương thức contingency: luật sư chia tiền bồi thường mà nguyên cáo được tòa xử
thắng. Phương thức này tránh gây tốn kém cho nguyên đơn và tránh việc vận động
ủng hộ tài chánh của đồng bào để tạo ra quỹ pháp lý, thường tai tiếng và bị xử
dụng sai lạc.
Điều này thiết tưởng cũng không khó khăn
quá đáng, vì (1) uy tín của người, hay những người luật sư đại diện cho cựu tù
nhân khổ sai cải tạo sẽ gia tăng đến mức độ mà bất cứ một ngân khoản quảng cáo
nào, dù nhiều đến đâu cũng không mua được, và (2) thắng kiện là điều chắc chắn
vì vụ kiện dựa trên những dữ kiện rõ
rệt, những nhân chứng sống thực, và những tổn thất khiếp đảm về cả ba mặt vật
chất, tinh thần và tình cảm của họ. Khi đã thua kiện Việt Cộng sẽ phải chịu
trách nhiệm trang trải mọi án phí kể cả luật sư phí của nguyên cáọ
ĐIỀU THỨ SÁU: BẢO VỆ
TÍNH CHẤT VÔ TƯ CỦA TÒA ÁN.
Nhiều độc giả có thể đã theo dõi vụ công
tố viện San Francisco truy tố hai vợ chồng một luật sư Mỹ nuôi chó và để chó
cắn chết một cô hàng xóm ở cùng cao ốc. Vợ chồng nhà này biện minh cho rằng cô
hàng xóm đã bị chó cắn chết vì cô ta ghẹo chó. Lời biện minh ngang ngược tạo
công phẫn trong dư luận San Francisco khiến hai vợ chồng bị truy tố về tội cố
sát chứ không phải ngộ sát nữạ
Luật sư của họ đã xin chuyển phiên tòa đến
một địa phương khác (tôi không nhớ rõ có phải là Los Angeles không), và tại đây
tội trạng của họ được đổi thành ngộ sát, do đó án tù cũng nhẹ hơn.
Tôi nhắc lại một vụ án mà tôi không nhớ rõ
chi tiết, không nhớ tên của hai vợ chồng bị can, tên người đàn bà nạn nhân, và
tên luật sư biện hộ cho bị can, chỉ vì tôi muốn nêu lên vấn đề tính chất vô tư
của tòa án. Luật sư của bị can đã xin dời phiên tòa đi nơi khác vì lý do tòa án
không còn vô tư nữa khi họ chịu ảnh hưởng của người dân San Francisco, ghét bỏ
hai vợ chồng anh chủ chó vì những lời biện minh trịch thượng, ngang ngược.
Trong vụ kiện Việt Cộng chúng ta cần thận
trọng, không nên xử dụng tình tiết của vụ án trong những vận động chống cộng
trước khi vụ án kết thúc. Sự thận trọng này là để tránh không cho Việt Cộng vin
cớ là tòa không thể vô tư vì ảnh hưởng của những tài liệu chúng ta công bố trên
truyền thông mà xin tòa hủy bỏ vụ án.
Điểm này tôi cũng xin quý vị độc giả luật
sư lên tiếng bổ khuyết, vì quý vị là những tiếng nói thẩm quyền trên địa hạt
pháp lý.
Tóm lại, tôi đề nghị chúng ta đưa Việt
Cộng ra trước tòa án liên bang Mỹ với những tội ác có dự trù trong luật pháp
Hoa Kỳ, và những trừng phạt tòa án Hoa Kỳ cũng đã có những trường hợp tiền lệ,
trường hợp mới nhất là vụ án Zimbabwe, mới xẩy ra ngày 2 tháng Bẩy 2002.
Tôi được biết cũng đang có nhiều hội đoàn
muốn kiện Việt Cộng về việc bán đất cho Tầu. Điều này vô cùng nên làm, nhưng
khó hơn, vì tòa án Mỹ có thể chưa có một tiền lệ nào để dựa vào đó mà xét xử.
Tôi chỉ xin một việc: quý vị độc giả sốt
sắng thảo luận để ý kiến của một người cầm bút có cơ may biến thành một công
tác chống cộng.
Nguyễn Đạt Thịnh