RADIO FREE ASIA: Trung Quốc tiếp tục chèn ép Việt
Nam
Trần Sơn Nam
2002-06-14
Lời giới thiệu: Mặc dầu nhà cầm quyền Việt Nam luôn
luôn luôn
nói tới những lực lượng thù nghịch từ bên ngoài, nhưng sau vụ
lời qua tiếng lại giữa Trung Quốc và Việt Nam về vụ Trung Quốc
thao diễn quân sự trong vịnh Bắc Bộ, người ta có cảm tưởng như
Việt Nam gặp khó khăn từ nước bạn đàn anh nhiều hơn là từ những nơi
khác. Mục "Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài" hôm nay có bài nhận
định sau đây của Trần Sơn Nam...
Cuối tuần vừa qua, ngày 8 tháng 6,
đài phát thanh Quảng Châu đã loan báo là Trung Quốc có cuộc thao
diễn quân sự bắn đạn thật tại vùng biển Nam Trung Hoa, do đó cấm
tầu bè qua lại ở một số khu vực thuộc vùng biển nằm sát ngay với
vịnh Bắc Bộ, thuộc lãnh hải Việt Nam. Cuộc thao diễn này được thông
báo là chấm dứt vào ngày 13 tháng 6. Thao diễn quân sự trên mặt
biển là chuyện thường có và ngay cả trường hợp thử nghiệm vũ khí
bằng đạn thật, người ta cũng đã từng thấy. Trường hợp cụ thể nhất
mà mọi người có thể nhớ lại là trường hợp cách đây một vài năm
Trung Quốc đã có những cuộc tập trận bằng đạn thật ngoài khơi Đài
Loan trên đường vào hải cảng Cao Hùng của đảo này. Nhưng ngày đó,
ngoài mục đích quân sự nhà cầm quyền Hoa Lục còn có mục đích chính
trị là đe dọa và uy hiếp Đài Loan để giới lãnh đạo đảo này từ bỏ chủ
trương độc lập, tìm cách tách rời khỏi lục địa. Còn ngày nay với vụ
thao diễn quân sự và việc cấm tầu bè qua lại trong 5 ngày tại vùng
biển nằm ngay giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam, ngoài mục đích
quân sự thông thường, Trung Quốc còn có mục đích nào khác không?
Điều đặc biệt đáng để ý ở đây là nhìn vào bề ngoài và dựa vào
những lời tuyên bố của giới lãnh đạo Bắc Kinh và Hà Nội, luôn
luôn ca tụng "tình hữu nghị thắm thiết giữa hai Đảng và hai
Nước" thì mối quan hệ giữa hai bên chắc chắn phải là tốt đẹp,
đúng với ý nghĩa của những khẩu hiệu đã từng được nêu cao như
"láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng
tới tương lai". Như vậy thì làm sao có thể có chuyện đe dọa hay uy
hiếp? Thế mà chỉ hai ngày sau khi có tin loan báo về cuộc thao diễn,
người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Việt Nam là bà Phan Thúy Thanh đã
phải lên tiếng nói rằng Việt Nam rất lo ngại và quan tâm về sự
việc đang xẩy ra. Việt Nam chính thức cáo buộc Trung Quốc đã xâm phạm
nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam vì trên thực tế những khu vực
cấm tầu bè qua lại gồm cả những nơi lấn sâu vào vùng biển và thềm
lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, theo lời bà Phan Thúy Thanh, Trung Quốc
còn đe dọa quyền tự do hàng hải của tầu bè qua lại trong vùng biển
Nam Hải, do đó vi phạm quan trọng luật quốc tế cũng như Công Ước 1982
của Liên Hiệp Quốc về luật biển. Để đối đạp lại với những lời
cáo buộc nặng nề này từ phía nước bạn đàn em, ngày thứ ba 11 tháng
6 vừa qua, người phát ngôn của Bắc kinh là bà Lưu Kiện Siêu đã bác
bỏ lời cáo buộc của Việt Nam và cho đây là vô căn cứ vì Trung Quốc
thao diễn quân sự trên vùng biển của mình. Sự việc như trên đây
được trình bầy, nếu xẩy ra ở những nơi khác, có thể được coi như
thông thường, tuy nhiên lúc này trong trường hợp tranh chấp giữa Việt
Nam và Trung Quốc là hai nước cùng một ý thức hệ được coi như anh em,
giới quan sát quốc tế tỏ ra ngạc nhiên về thái độ của nhà cầm
quyền Việt Nam qua những lời phản đối và cáo buộc mạnh mẽ mà Hà
Nội đã đưa ra. Thực ra, vấn đề ở đây phải được hiểu trong bối cảnh
mối quan hệ phức tạp giữa hai nước láng giềng với một quá trình lên
xuống trải dài cả ngàn năm. Ngay trong lịch sử cận đại có lúc hai
bên đã coi nhau như "sông liền sông, núi liền núi, môi hở răng
lạnh"v.v.. nhưng cũng có lúc thì lại đả phá nhau bằng những lời
lẽ xúc phạm như "bá quyền hay bội ơn" rồi lại trở lại
"hữu nghị thắm thiết" như trong hiện tại. Mới đây, chế độ
Hà Nội đã loan báo là đã ký vào cuối năm 1999 một hiệp ước biên
giới trên đất liền với Trung Quốc và một năm sau, cuối năm 2000, đã
ký hiệp định phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ. Cả hai văn kiện
này, tuy mới chỉ có một bản được phê chuẩn, đã bị dư luận ở trong
nước và ngoài nước cực lực lên án là đã làm cho quyền lợi của
dân tộc Việt Nam bị thiệt hại lớn. Để bào chữa cho sự nhượng bộ
này, cho đến nay lập luận của chế độ là "trong tinh
thần nhân nhượng, Việt Nam cần phải tạo môi trường hữu nghị" và
"đường lối của Đảng và Chính Phủ chúng ta hiện nay là phù hợp
với lợi ích lớn nhất của dân tộc, tạo không khí hòa bình, hữu
nghị, ổn định với các nước láng giềng vì như vậy mới tập trung
được sức lực để xây dựng phát triển". Nhưng trên thực tế mặt
trái của vấn đề không dấu được ai. Sức ép của Trung Quốc quá mạnh.
Tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước anh em chỉ là những ngôn ngữ
đầu môi. Trên con đường gai góc bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của
dân tộc, qua những bản hiệp ước và hiệp định đã được ký kết trong
hai năm liền 1999 và 2000,
nhà cầm quyền Hà Nội đã tỏ ra khiếp nhược thì bây giờ có phản
đối hay cáo buộc Trung Quốc trong vụ thao diễn quân sự nơi vùng biển
kế cận với vịnh Bắc Bộ thì cũng chỉ là để trấn an dư luận ở trong
nước và ngoài nước vốn sẵn đã nghi ngờ khả năng chống đỡ của chế
độ trước sức ép của những biến chuyển quốc tế. Dầu sao việc thao
diễn quân sự tương đối còn là việc nhỏ. Rồi đây đối với những
việc lớn hơn như những vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,
lập luận của nhà cầm quyền là "cần phải tạo môi trường hữu
nghị và ổn định" liệu có còn đứng vững được nữa không?