Buổi Tưởng
Niệm nhạc sĩ Lý Văn Chương
Saturday, November 20, 2004
NGUYỄNGỌCHẤN,
CNN |
|
TUSTIN,
Quận Cam.- Tối Thứ Sáu 19 Tháng Mười Một, thay vì tham dự những tiệc
tùng đầu mùa Lễ Tạ Ơn, gần trăm anh chị em, huynh trưởng, bằng hữu và
thân quyến đã tề tựu về nguyện đường, nhà quàn Saddleback, thành phố
Tustin, để tưởng niệm người bạn chúng ta, Lý Văn Chương vừa ngừng sáng
tác bỏ lại cây đàn cho chị Nimfa và hai cháu Christine, Ann-Marie Lý.
Lý Văn
Chương giã từ cõi tạm ngày 16 Tháng Mười Một. Anh ra đi vội quá, mới
nửa thế kỷ trên dương trần, dù 50 năm ấy đong đầy yêu thương và luyến
nhớ.
Gia
đình Du Ca lại có sự mất mát lớn. Mấy tháng trước Chương đến tiễn chân
du ca Ngô Mạnh Thu, ai ngờ được, giờ đây họ đã đoàn tụ, mở màn cuộc
ngao du miên viễn. Hai ngày trước, lúc 03 giờ sáng, ngày 14 Tháng Mười
Một năm 2004, Chương cũng biết buồn khi dòng đời cuốn theo Giang Hữu
Tuyên. Có thể nói, Tuyên là người đã làm nổi bật sự nghiệp sáng tác
của Lý Văn Chương. Bài thơ Tuyên khóc dòng sông, chảy qua dòng nhạc,
xuôi chèo lặng sóng của Lý Văn Chương. Không lẽ thơ nhạc lưu luyến đến
thế sao! Ðến nỗi, “hai-ngày-hai-giờ-mười-phút” sau, ngày 16 Tháng Mười
Một, lúc 05 giờ 10 phút sáng, Lý Văn Chương đã “nhập giang”, kẻ từ
miền Ðông, người ở phương Tây cùng chèo chống con thuyền, tìm đến nhau
ở “chốn nhân gian không người lái”.
Du ca
thương tiếc một người trưởng trẻ chưa phát triển đúng mức, như nhạc sĩ
Nguyễn Ðức Quang nói, “Nếu như Lý Văn Chương được thêm ít thời gian
nữa anh sẽ chín mùi và tác phẩm của anh sẽ tuyệt sắc”. Thế nhưng,
Chương đã buông xuôi, định mệnh cay nghiệt hành hạ xác thân, buộc anh
xa rời bạn bè buông đàn, ngưng hát. Ðể rồi đêm nay bằng hữu đến, hát
cho anh nghe những gì Chương để lại.
Trước
những tiếng nấc của hiền thê Nimfa, trước những sụt sùi của hai cháu
Christine và Ann-Marie, anh em tưởng niệm Lý Văn Chương với thật nhiều
kỷ niệm. Nguyễn Thiện Cơ gần Chương qua nhiều giai khúc thăng trầm, từ
du ca, vào dòng đời: Lý Văn Chương hát du ca không cần sân diễn, không
cần khán giả, bất kỳ bãi cỏ, bờ biển, chỉ mình anh, với cây guitar,
Chương có thể say sưa biểu lộ cảm nhận của chính anh. Sáng tác của
Nguyên Chương không chải chuốt, không màu mè không làm dáng, chơi chữ,
chơi trội, bất cần người nghe có thích hay không.
Những
chứng nhân khác của Lý Văn Chương, như Phan Huy Ðạt, biết về Chương
như một con người nhiều chuyển biến, khi ẩn lúc hiện. Có khi Chương
thật gần với anh em bạn bè, như không thể rời xa nửa bước. Có lúc
Chương hụp lặn, lẩn tránh, không một dấu tích, chẳng một lời chào.
Chương âm thầm, chừng mực, khác hẳn tâm hồn nghệ sĩ của anh. Tâm trạng
Chương thay đổi theo thời gian, lúc cởi mở như một tờ nhật trình,
người đọc dòm thấu từng cột báo từng inch chữ, lắm lúc Chương bưng
bít, ôm kín riêng mình, và đó, có thể do hậu quả căn bệnh đã phát
hiện, nhưng Chương không muốn gieo ưu phiền cho bằng hữu.
Ông Ðỗ
Ngọc Yến nhớ về thời gian gần gũi Chương từ bước đầu tị nạn, lúc anh
còn tứ cố vô vô thân, được sự đùm bọc, che chở của người bảo trợ.
Chương có cơ hội biết nhiều điều thú vị, thăm nhiều cảnh, viếng nhiều
nơi. Anh học ngành kiến trúc nên có đầu óc tổ chức, hăng hái tiếp tay
được nhiều việc trong thời phôi thai của làng báo Việt ngữ. Lý Văn
Chương là con người cần mẫn nghiêm chỉnh được người chung quanh quí
mến.
Bước
sang sinh hoạt nghệ thuật, ông Nguyễn Ðức Quang nhớ về Lý Văn Chương
từ ngày mới gặp, đã phát hiện trong anh có cái đam mê, nhập cuộc.
Chương không sở trường về hát nhưng sáng tác ca khúc thì anh có nhiều
triển vọng. Lý Văn Chương đóng góp nhiều cho sự tái sinh phong trào du
ca trong giới sinh viên, tiếp tay nhiều khóa huấn luyện, tổ chức nhiều
buổi trình diễn. Chương không ngại ngùng, không câu nệ, dấn thân vào
những chặng đường sương gió: Seatle, San Jose, Vancouver, Portland và
dọc theo miền Tây Hoa Kỳ. Anh có công thổi một luồng sinh khí vào
phong trào du ca. Thời gian ấy Lý Văn Chương cũng sáng tác mạnh nhất.
Chương phổ nhạc nhiều bài thơ của bằng hữu như Bắc Phong và bài thơ
của Giang Hữu Tuyên là xúc động nhất, được biết tới nhiều nhất. Ðó là
bài “Có Buồn Không Những Dòng Sông”. Chúng ta thử đọc vài câu trong
bài nhạc phổ thơ này:
Có nhớ
gì không những dòng sông
Có nhớ
gì không những cánh đồng
Anh
lính hôm nào chưa về lại
Thương
nhớ anh rồi cà hết đơm bông.
Ông
Nguyễn Ðức Quang cũng nhắc đến một số tác phẩm tình cảm của Lý Văn
Chương đã thâu CD và phổ biến rộng.
Sau
phần trình bày những mảnh đời từ 4 người thân của Lý Văn Chương, trước
linh cữu anh, nhóm du ca cất tiếng hát vài bài tiễn biệt, do anh sáng
tác với bút hiệu Nguyên Chương. Không gian nhà quàn ấm lại, chắc hẳn
Lý Văn Chương vẫn còn hiện hữu nơi đây, có khi Chương nằm đó nhưng
cũng hòa điệu nhạc với các anh, các bạn: Trí, Cơ, chị Ngọc Anh, và
Nguyễn Ðức Quang, hãy cùng ngân vang khúc “Có Buồn Không Những Dòng
Sông”.
NGUYỄNGỌCHẤN, CNN |
|