Nguyễn Đức Quang viết về Lý Văn Chương
Thursday, November 18, 2004    Nguyễn Đức Quang

Từ dòng sông quê hương tới suối mật tình yêu
Lý Văn Chương chìm khuất trong bóng tối

Tôi không nhớ rõ cái ngày đầu tôi gặp lại Lý Văn Chương ở vùng mà sau này được gọi là Little Saigon. Gặp cùng một lượt với các bạn gia đình du ca hay gặp chàng ta sau chỉ vì chàng ta lúc đó vẫn còn trẻ, ở cái tuổi trên dưới 25 ấy mà. Nhưng rõ ràng nhất thì cái lần tôi gặp Chương là tại căn nhà mà gia đình tôi mới thuê được sau khi “tạm trú” tại nhà anh Yến chừng hơn tháng, căn nhà trên đường Kilson, chạy ra góc đường Edinger khu Santa Ana.

Ðó là một buổi họp, một buổi gặp gỡ nhiều bạn trẻ thì đúng hơn và tôi nhớ Chương là người đã làm tôi, một người vừa từ trại đảo qua lấy làm ngạc nhiên với cái lý luận rất sắc bén về nhiều vấn đề, kể cả nhạc thanh niên. Và rồi Chương đã khơi cái chất máu hăng của tôi bằng những đề nghị tổ chức các buổi sinh hoạt đầu tiên cho tôi trên nước Mỹ. Cái nhanh nhảu của anh chàng này vượt qua cả những bạn du ca khác.

Tôi còn nhớ Chương chính là người đã lôi tôi lên sinh hoạt ở Pomona, cả với cái nhóm mà lúc ấy anh ta đã có dịp tham gia: Ðoàn Du Ca Pomona. Sáng thứ tư, nhận được điện thu của Lê gửi lời chia buồn với du ca, tôi cứ bâng khuâng nhớ nhung, lục lại cái ký ức kém cỏi mãi mới nhớ được những ngày đầu tiên ấy. Du Ca Pomona là một đơn vị lẫy lừng với những sinh hoạt nổi bật thời đó dưới tài lèo lái của một Lưu Văn Lễ rất hùng biện và tài năng về tổ chức cùng lãnh đạo. Lúc ấy Pomona đã có những hoạt động vang xa và có thể nói là trải rộng khắp Cali. Họ đi San Jose, San Diego xoành xoạch. Nhưng tôi chỉ thỉnh thoảng được táp vào ở Pomona. Nhưng Chương không dừng ở đó, Chương tổ chức nhiều buổi sinh hoạt riêng khác với nhiều nhóm sinh viên quanh vùng này, ở vào một cái thời tôi còn rất mới, rất ngơ ngác trước cái không gian mênh mông của California..

Trong những ngày đầu tiên ấy, Chương cũng thường xuất hiện trên sân diễn với chiếc đàn guitar thật thô sơ và tiếng hát của Chương cũng thô sơ không kém, tiếng hát Chương lúc đó cũng không mấy ai tán thưởng vì cái âm miền Trung của chàng thật khó trau chuốt cách nào cho nó ngọt ngào hơn được. Chương thú nhận là từ hồi chơi du ca ở Ðà Nẵng với trưởng Trần Ðình Quân, Chương không được cho vào ban hát một phần vì còn nhỏ quá nhưng phần chính vì không có giọng hát hay. Chương kể nhiều lần về cái thời ban đầu của chàng và tôi chỉ nhớ được những nét rất ngộ nghĩnh trên đường sinh hoạt như trên. Hết trung học, Chương bắt đầu cuộc đời “phiêu du” bằng cách vào Saigon làm anh sinh viên, theo ban báo chí và làm quen với thế giới thật năng động nhưng cũng đầy hào hứng. Chương tham gia những công tác của các nhóm sinh viên mà Chương cho là không thể quên được là các trại đón tiếp sinh viên quốc ngoại về dưới tên Nối Vòng Tay Lớn và Ðường Việt Nam (khoảng 73, 74). Những sinh viên từ ngoài nước trở về đã mở ra chân trời viễn kiến cho một chàng trai như Chương vào lúc đó, mới ngoài đôi mươi.

Trở lại những ngày đầu tiên Chương cất tiếng hát ở quận Cam thì người ta chê tiếng anh hát không hay. Nhưng ai cũng bị kèm theo một cái hay nhức nhối khác: anh chàng này có viết nhạc và có bài rất là hay. Có Buồn Không Những Dòng Sông có thể nói là một cái gì lôi cuốn người nghe liền. Chương phổ từ thơ nên lời hát là một chuỗi hình ảnh thân thiết mà rất mộc mạc, với các câu hỏi đủ nhức buốt lòng người vì tâm trạng lúc ấy, ai cũng vừa rời quê hương ra đi. Thơ đơn sơ mộc mạc ra sao thì nhạc nhẹ nhàng và đơn giản như vậy.

Có nhớ gì không những cánh đồng

khi lúa vàng về vàng khắp dòng sông

anh lính không về phơi lên áo trận

anh lính không về tóc đẫm hơi sương

Có nhớ gì không những con đường

lá thắm ngày nào lá đã vàng bay

anh lính không về phơi lên áo trận

anh lính không về cho đẹp quê hương

ÐK:

Có nhớ gì không những dòng sông

Có nhớ gì không những cánh đồng

anh lính hôm nào nay chưa về lại

thương nhớ anh rồi cà hết đơm bông

***

Có nhớ gì không những xóm làng

tan chiến chinh rồi người vẫn không qua

như những tấm lòng thương cha nhớ mẹ

như những xóm làng sau lũy tre xanh

Có nhớ gì không những tấm lòng

nước lớn đầu mùa nước cuốn tình chung

anh lính không về phơi lên áo trận

anh lính không về cho đẹp quê hương

ÐK (như trên)

Tôi thiết tưởng làm một thơ quê hương và thành một bài nhạc về quê hương hay nhất vào lúc đó cũng chỉ đến thế. Người ta có thể nói Quê Hương từng được ví với chùm khế ngọt nó ngọt ngào thế nào thì cái quê hương với cái vắng mất người lính mà cà hết đơm bông thì không còn gì đặc sắc hơn nữa.

Tôi nhắc bài hát này vì cái hay thật sự của Lý Văn Chương lúc đó, anh phổ một cách tự nhiên, không dồn, không ép mà cũng không có một chữ gượng, không một nốt khó khăn. Thường như thế là cái ý thơ, lời thơ với cái tứ nhạc nó đã nhập vào nhau cứ thế mà lôi kéo nhau đi thẳng một lèo thoải mái. Tôi nhắc bài thơ này bởi có chuyện kỳ lạ trong chuyến đi này của Chương, anh chỉ mất sau người làm ra bài thơ đó, sau Giang Hữu Tuyên có 2 ngày hơn một chút. Tuyên mất ở trên vùng Virginia sáng ngày 14 lúc 3 giờ sáng, Chương mất ngày 16, lúc 5:10 phút sáng. Hai người đã rủ nhau đi tìm lại dòng sông quê hương hay đi tìm giàn cà xem hồn quê còn nở được mấy nụ hoa?

Thế rồi Chương lao đầu vào nhiều sinh hoạt, anh giúp rất nhiều trong những lần tổ chức huấn luyện. Các khóa đầu tiên của du ca hải ngoại không vắng mặt anh. Anh chạy tìm chỗ, anh tìm phương tiện, anh làm tài liệu, đi in ấn những tập sách hát. Là một người học kiến trúc, anh có năng khiếu vẽ nên phần trình bày anh thường đảm nhận. Quả thật lúc đó anh em có người làm báo nhưng không có ai biết vẽ vời hay trình bày. Chính nhờ cái háo hức của một người trẻ như Chương, nhiều công tác lúc ấy thành hình và hứa hẹn những thành quả tốt đẹp. Ðùng một cái, sinh hoạt quanh đây bỗng được đẩy lên một cung bậc mới, các mặt trận, liên minh, phái nhóm ra đời với khí thế rực lửa, Chương thấy mình như muốn bay bổng với những lời réo gọi lớn. Anh tung sức mình vào dòng sinh hoạt đó. Anh không ngại những chặng đường sướng gió: Seattle, San Jose, Vancouver, Portland, dọc một sườn phía tây nước Mỹ là nhà của anh. Thỉnh thoảng anh chợt ghé, tay cầm cây đàn, một vài khúc hát rất mạnh mẽ vang lên. Tôi nhớ đó là thời mà Lý Văn Chương có nhiều tác phẩm hơn lúc nào, trung bình chàng có hàng loạt bài mới cứ sau một vài tháng..

Một đoạn trong bài ca Ðông Tiến với lời thơ Bắc Phong cho thấy cái tinh thần rất cứng cỏi của Chương trong thời gian này

...

Bởi có đi mới thấy lòng rung động

những bông lúa vàng nuôi lớn bưng biền

mới thấy được dân Nam bất khuất..

...

Mỗi người về là một tâm hồn dũng sĩ

mỗi quyết tâm đi giết lũ thuồng luồng

lớp lớp can trường mới nên đại cuộc

mới có ngày chiếm lại quê hương

Lúc đó, Chương say mê thơ Bắc Phong, Chương nói với tôi rằng thơ đó mới có lửa. Dĩ nhiên Chương phổ thơ của Bắc Phong cũng nhiều hơn những người khác.

Về sinh hoạt, nói chung là dưới nhiều hình thức chứ không phải chỉ có ca hát. Những sinh hoạt của Chương được một người bạn ghi lại như sau trong một tập tài liệu còn giữ được:

“Trong thời gian qua, dù ngắn ngủi, chúng ta cũng tổ chức được nhiều buổi hội thảo, nhiều buổi sinh hoạt từ 5,10 người đến cả hàng trăm người tham dự, sinh hoạt lành mạnh như ca hát, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, tác động quần chúng trong chiều hướng văn nghệ mới...” Chúng ta đã tạo được nhiều mối liên hệ mật thiết với các toán du ca bạn từ California, Toronto, Ottawa, Paris và Tokyo...”

Khoảng những năm 84, 85, Chương quay trở lại và bớt dần cái sinh hoạt, ai cũng có thể hiểu rõ rằng nhiều biến động vào lúc đó đã làm cho những chuyến đi như mắc cửi của Chương không nhiều như trước nữa, có cứ từ từ chậm lại. Tôi cứ nghĩ rằng một chàng thanh niên đã đến lúc phải đến... Bất ngờ Chương cho tôi nghe mấy bài hát nhiều vần em trong đó. Sinh hoạt ca nhạc lúc đó cũng đang quay trở lại với vận tốc mới, một trào lưu trẻ trung đang tiến lên, làng băng nhạc vừa gây một xôn xao với cuốn bang Mùa Thu Lá Bay của Kim Anh phá một con số kỷ lục. Phải chăng sau những ngày tháng đấu tranh kịch liệt, tâm hồn người bỗng thấy thiếu một chất nhẹ nhàng. Chỉ biết thành công của cuộn băng này đã lập tức bốc tất cả nguồn cảm hứng của giới ca và nhạc tới một sôi nổi mới: mình có thể làm một cuốn băng nhạc mà... thành công rất ngon lành. Ðó cũng là thời mà người hát người đàn cũng như viết nhạc tin rằng thời kỳ in băng xưa đã kết thúc... Các trung tâm băng nhạc ra như nấm, các phòng trà vũ trường lấn sân và những người viết bắt đầu thấy mình viết nhạc mới hay soạn lại, làm mới lại bài hát cũ cũng đủ thành công.. Chuyện này không có vẻ dính dáng gì đến người viết nhạc sinh hoạt, nhạc tranh đấu hay nhạc du ca?- Có, vì chính những người giới này cũng bắt đầu có suy nghĩ lại những vấn đề mới trong lối chơi của mình.. Lý Văn Chương là chàng viết nhạc sinh hoạt đầu tiên lò mò bước vào thế giới MIDI nghĩa là giới viết nhạc dùng computer hay ta tạm gọi là thế giới Nhạc Ảo. Chương mày mò mất rất nhiều thời gian, nhưng nó đẩy anh vào với thế giới nhạc mới và anh bắt đầu viết trong những năm 86,87 khá nhiều ca khúc tình yêu. Năm 1998, một CD nhạc tên Gọi Nắng ra đời. CD này có 10 ca khúc với những bài anh phổ thơ. Chúng ta có thể dừng lại đây để nhìn lại những ca khúc trong tập gọi nắng này như Gọi nắng (thơ Trần Mộng Tú), Nỗi Buồn Lá Cỏ, Ta và Em, 20 năm ta còn có bên nhau, Tình áo dài, trong đôi mắt anh, Bài tình cho mây, Mong ơi mòn đợi (thơ Thụy Vy), Khi người đi (thơ Trần Dạ Lữ), Bóng đã chia xa..

Rồi không lâu chút nào, Chương cho ra tiếp CD Hình Như Là Tình Yêu, cũng 10 tình khúc mới của anh. Ta hãy nghe thử các tựa bài: Hình như là tình yêu, Tình yêu tôi, Khi người đi (thơ Trần Dạ Lữ), Những ngày sau đó, Lần cuối (Thơ Trần Dạ Lữ), Nước mắt dòng sông (thơ Phạm Tình), Chim đêm, Tình áo dài, Mưa ở Little Saigon, Tâm khúc.

Cái không may là thời gian này, Chương miệt mài trong các studio mà tôi cũng không có dịp nào chia sẻ với Chương về các ca khúc nữa. Chúng tôi xa nhau có trên 15 năm từ những năm gần 90.. Nhưng câu chuyện của Lý Văn Chương mới gợi dậy nơi tôi cái việc nghe thử một lần các ca khúc của Chương trong các CD này để nhìn tới cái đoạn cuối của công việc viết nhạc cũng như sinh hoạt của Chương. Tôi ghi lại một vài bài hát được Chương in ngay trong tờ bìa của CD Hình Như Là Tình Yêu. Bai hát với tên trên thấy ghi như sau:

Hình như có một điều chi

Trên mắt em mùa thu mở cửa

hình như có một điều gì

Giữa môi cười lòng rộn rã tiếng ca

hình như mây hôm qua về muộn

mãi rong chơi theo đôi bướm lạ

hình như bước chân ai rất nhẹ

Hình như đó là tình yêu

Ðừng vội nhé màu môi son

cho thay năm nào còn thơ tuổi ngọc

đừng vội nhé phấn má hồng

bước qua đường nhẹ nhàng áo em bay

vào bông hoa chân ai vườn lạ

vết gai đâm trên tay nức nở

lời chào đón chao ôi rất thẹn

đừng vội nhé hỡi người yêu

ÐK:

Vì tình yêu đem theo nỗi nhớ

những hờn ghen cho em muộn phiền

nụ hôn yêu thơm lên môi mềm

là dấu tình là mùa sang

Hình như có một điều chi

cho tóc mây dài thêm gương lược

hình như có một điều gì

đến rất vội làm hồng má em

bàn chân vui qua đây cỏ mượt

bước xôn xao làm trăm tiếng hẹn

và giọt nắng lung linh bên thềm

màu nắng mới màu tình yêu

Ðúng rồi, nghe hết bài này người ta gặp lại Lý Văn Chương của cái thời Có Buồn Không Những Dòng Sông. Nét nhạc nhẹ và rất gọn. Vẫn đơn giản và chứa chất cái làn điệu miền Trung, cái mà lần trước đó Chương đem phổ vào thơ Giang Hữu Tuyên, nối cả hai cái phần hơi thở khác nhau một đàng là thơ ngọt ngào Bạc Liêu, một đàng là cái hương vị của âm thanh thỉnh thoảng ngang ngang lơ lớ như đất như biển vùng Ðà Nẵng, Tam Kỳ. Nhưng vẫn quyện được chứ. Nếu chưa đủ cho một chứng minh, tôi mời nghe một bài về dòng sông khác của Lý Văn Chương, nhưng lần này là Nước Mắt Dòng Sông với lời lẽ như thế này:

Em có thở những đêm nằm môi mím

Em có thở những giây nào quạnh hiu

đường em đi có hoa mở lối

đường em đi có mây về trời

đường em đi mang theo hò hẹn

đường em đi là chết vừa rơi

Ta muốn hỏi những đêm nằm môi mím

ta muốn hỏi những giây nào quạnh hiu

rằng mai sau mỗi khi về ngang

người yêu ơi có hay lòng buồn

người yêu ơi trong khi hò hẹn

người yêu ơi có biết lòng đau

mắt trời rồi không lên trên đỉnh núi

mùa xuân chim én cũng không về

và lòng người thì tan hoang bãi vắng

người yêu ơi ta mất nhau rồi

Nên muốn hỏi cũng chờ một kiếp

nên muốn hỏi thôi cũng thôi đợi ngày qua

Chờ cho ta tiếng ca mùa đông

chờ cho ta sớm mai hồng

đàn chim non bay qua biển rộng

chờ cho ta ru giấc thinh không

Ừ, thì cũng là một dòng sông, chắc chắn là dòng sông đó rồi. Và cũng là những khắc khoải mòn mỏi, cũng những mất mát trống vắng. Chỉ có điều lần này Lý Văn Chương không mất những người lính và mất những bông cà, mà mất một người “Người yêu ơi ta mất nhau rồi”.

Chương đã tấn công ồ ạt của đợt chuyển đổi đó vào những năm trước 2000. Ðã có lúc tưởng nó vang xa và bay cao lắm rồi. Nhưng cơn bệnh đến với anh vào khoảng thời gian đó cũng mạnh mẽ không thua gì cái ước muốn của Chương. Sức khỏe Chương sa sút nhanh chóng và Chương vắng dần phía sau những sinh hoạt bên ngoài cho đến hôm nay..

Còn chúng ta, những bạn hữu của Chương trong lần nhìn lại những chặng đường âm nhạc của Chương thì có thể nói thế này, chúng ta cũng mất mát, cũng vắng đi, cũng bị thừa ra những lỗ hổng giữa trời, nơi đó bóng dáng một người còn khá là trẻ trung vừa bỏ đi. Chúng ta cũng mất một dòng âm thanh chưa trở thành quen thân, còn xa xa như vẫn phủ quanh một bóng tối mờ mờ. Chương đã đến với nhạc sinh hoạt, nhạc đấu tranh và cả những khúc nhạc tình. Âm thanh của Chương đẫm hương thơm và hơi thở đồng nội từ ban đầu đến lúc cuối, anh vẫn đi trên một dòng sông. Chỉ tiếc là không biết vì một cơ duyên gì, các công trình của Chương không bao giờ tới được cái vùng ánh sáng rực rỡ của nó. Trừ đợt nhạc tranh đấu anh viết khá gai góc các bài về quê hương và tới đợt nhạc tình thì lại lại quyến rũ dễ nghe dễ hát, đầy nhịp điệu. Chương chỉ cần nung thêm một lửa nữa là đủ độ bền, những ca khúc của Chương sẽ chắp cánh bay xa.

Nhưng Lý Văn Chương đã ra đi và chúng ta thương tiếc Chương.

Nguyễn Ðức Quang

17 tháng 11/2004

 
 Copy right © 2003 . Du Ca Viet Nam . All Rights Reserved