chào mừng

các bạn tôi

cha mẹ tôi

thành phố

miền nắng ấm

  

bản đồ nhatrang

ngộ cố tri

sinh hoạt

bs yersin

lớp 1B Võ Tánh

                                  
                                  

 Họp mặt 1B Võ Tánh tại San Jose, USA, ngày 01/5/2004

 

Đối với tôi, ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri 1/5 là một món quà bất ngờ mà bạn bè đã trao cho tôi. Ở tuổi này của đời người, tôi đã trãi qua biết bao biến cố buồn vui trong cuộc sống, trái tim tưởng đã nguội lạnh với thời gian, không còn gì có thể làm mình háo hức như thời tuổi trẽ được, vậy mà trước biến cố ngày 1/5/2004 trái tim tôi đã đập mạnh hơn bình thường, cảm giác nôn nóng đến với tôi liên tục. Tôi nói Ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri là một món quà bất ngờ vì sau ngày hội ngộ ấy, những người bạn cách đây 40 năm của tôi, trước đây đã thân thì bây giờ thân hơn, nếu trước chưa thân thì bây giờ đã thành thân. Tôi xưng hô "mày tao" một cách ngon lành, không hề sợ bạn sẽ chê mình bất lịch sự. Từ sau 1975, ra sống ở nước ngoài, tôi chưa bao giờ được dùng lại những "đại danh từ" thân ái đó, với tôi cách xưng hô đó mới diễn tả được sự mừng vui cùng cực trong lòng mình, gói ghém trọn vẹn một trời kỷ niệm của thời thơ ấu, và tôi muốn sống với cảm giác thật của lòng mình ngày hôm đó. Hôm đó là một ngày đẹp trời, có lẽ là ngày đẹp nhất trong suốt thời gian hai tháng tôi sống ở Mỹ, lần đầu tiên sau 40 năm chia tay ở cuối trung học, tôi gặp lại gần hết những người bạn học thân ái ngày xưa. Bốn mươi năm là thời gian dài của một đời người. Hồ Hải đã nói đùa rằng "Hẹn gặp lại lần nữa 40 sau", đây không phải là một lời hẹn hò, nhưng nghe sao thật thấm thía. Bốn mươi năm sau nếu còn, tâm trạng của tôi lúc đó cũng đã khác, không giống như tâm trạng "lần đầu gặp lại nhau" hôm nay, tâm trạng của "đoạn cuối một cuộc đời tìm lại được đoạn đầu của nó". Trước ngày họp mặt, tôi nôn nao chờ đón, cảm giác vui vui trong lòng giống như hồi nhỏ nóng lòng chờ ngày Tết mau đến. Tôi tin rằng các bạn tôi cũng có cảm giác như tôi, hồi hộp chờ đợi cái giây phút lịch sử lần đầu đưọc nhìn lại mặt nhau sau 40 năm dài, tin tức của nhau thì đã biết chút ít nhưng gặp lại con người thật bằng xương bằng thịt thì chưa.

 
               

Hôm đó cũng là một ngày vui dài nhất của tôi ở nhà bạn Đinh Bá Hồ, một trong những ngày bạn học chung lớp từ năm đầu đệ thất ở Võ Tánh. Hồ là người đầu tiên đến thăm tôi khi tôi vừa đến Mỹ, hôm đó là một buổi chiều. Ngày xưa Hồ là một học trò có khuôn mặt rất hiền, áo lúc nào cũng bỏ vô trong, đi học mang dép loại bata da đắc tiền có quai sau. Trước khi qua Mỹ, tôi cố moi lại óc, hỏi thăm bạn bè về cái "quậy" của Hồ thời đi học để khi  gặp Hồ nhắc lại cho vui. Nhớ về Ngô Năm, Lê Đình Hội, Đào Đàm thì tôi nhớ rất nhiều nhưng với Đinh Bá Hồ thì không. Cái nhớ về Hồ được Nguyễn Thọ nhắc lại là Hồ hồi đó bị "cắp đôi" với Hồng Mơ bởi cái từ kép "MƠ HỒ" hay dùng của một ông thày khi giảng bài. Cái nhớ thứ hai về Hồ là từ tấm hình Nguyễn Thắng Hiền gởi tặng khi tôi chân ướt chân ráo gia nhập vào quán càfê 1B của anh em hải ngoại. Tôi tự hỏi tại sao trong suốt bảy năm học ở Võ Tánh tôi không có "kỷ niệm để đời" nào với Hồ, hay có mà nay tôi đã quên. Tuy vậy, lần đầu gặp lại nhau sau 40 năm, Hồ đã tạo cho tôi một cảm giác rất thân mật như anh em kết nghĩa, nói chuyện liên tục, nói hết giờ chứ không hết chuyện. Hồ và gia đình là người đứng ra tổ chức ngày họp mặt, ban đầu chỉ hy vọng trong mươi người đang sống tại San Jose, nhưng dần dần Hồ tìm thêm được các bạn mới ở xa và thuyết phục được các bạn về tham dự. Tôi rất mến phục nhiệt tình này của Hồ bởi vì tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng tôi có thể trong một lúc được gặp mặt lại một số đông bạn bè cũ như thế. Qua liên lạc email tôi đã có cảm tình đặc biệt với Hồ, nhưng qua gặp mặt bằng xương bằng thịt, và qua chuyến "nam du" với gia đình Hồ tôi có cảm tình nhiều hơn

 
 

Phong Nhã tuy là nữ nhưng thân tình với tôi cũng như nam. Nhiều năm sau Võ Tánh 63-64 tôi vẫn còn gặp lại Phong Nhã. Ở hải ngoại, Phong Nhã là người đầu tiên trong nhóm tôi bắt được liên lạc email từ  năm 1999. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với người bạn gái cùng lớp này, những kỷ niệm không thuộc loại "quậy" của "thứ ba học trò" như với Lê Đình Hội, Đào Đàm, Ngô Năm nhưng cũng là những kỷ niệm nhớ đời ở tuổi thơ. Ngày xưa Phong Nhã thuộc loại nữ sinh "cấp tiến", nhiều người biết đến, ngay cả trong lớp và trong trường cũng có nhiều chàng "chết lên chết xuống" vì cái dáng vẽ cấp tiến ấy. Tóc cắt ngắn như con trai, tay áo dài lúc nào cũng xắn cao, nói giọng "bắc kỳ", chậm rãi rõ ràng, bề ngoài rất tự tin. Tôi không chắc ở cái tuổi "teen" lúc đó, Phong Nhã có bẩm sinh tự tin thật sự không, hay phải làm vẽ tự tin để mấy "đại hung thần" trong lớp ngán, một kiểu "self defence", thấy cái bề ngoài "bản lảnh" đó thì "quập đuôi" không dám chọc. Thời gian năm đệ nhất, một bài hát rất thịnh hành trong giới học sinh của Phạm Duy có lời ca rất phù hợp với dáng cách của Phong Nhã, tôi hay đem lời ca này để chọc Phong Nhã, "Này cô em bắc kỳ nho nhỏ, này cô em có mái tóc demi garçon...", cả hai câu mở đầu bài hát rất "ăn khớp" với Phong Nhã, ngày nay mỗi lần nghe lại là tôi cười và nghĩ ngay tới Phong Nhã. Ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri gặp lại Phong Nhã đúng 34 năm kể từ lần cuối cùng gặp Phong Nhã tại ĐàLạt, lúc đó Phong Nhã hảy còn là một sinh viên, tôi thật sự rất vui mừng. Tôi cũng rất hân hạnh khi gặp anh Lương, "người hàng xóm" của Phong Nhã, không phải vì tôi quen biết người hàng xóm của Phong Nhã trước đây mà vì cuộc tình của anh Lương và Phong Nhã đã nổi tiếng khắp trong giới sinh viên Đà Lạt. Tại nhà Đinh Bá Hồ hôm đó, Phong Nhã vẫn còn cắt tóc ngắn, tay áo dài thỉnh thoảng vẫn được xắn cao. Lần gặp Phong Nhã thứ hai là tại nhà trong chuyến "nam du", Phong Nhã mặc đồng phục hướng đạo, chào tay trái, và tôi được biết Phong Nhã rất yêu thích sinh hoạt này. Cảm nhận của tôi về Phong Nhã hôm nay là người bạn gái này không khác bao nhiêu với hồi xưa, vẫn khuôn mặt đó, lời nói vẫn chậm rãi rõ ràng đó, dáng dấp vẫn còn đó cái tự tin bẩm sinh. Ấn tượng trong tôi về Phong Nhã là một bạn học sống nhiều nội tâm, trân trọng kỷ niệm cũ một cách kín đáo, nhất là đối với các bạn học cùng lớp còn đang sống tại Việt Nam. Không phải ngẩu nhiên mà Nguyễn Hưng gọi Phong Nhã là "Chị Hai", không phải vì tuổi tác, mà vì dáng vẽ ăn nói bề ngoài trời cho rất là "Chị Hai". Ý kiến của Phong Nhã trao đổi trên mạng gần như được tất cả bạn bè trong nhóm mặc nhiên chấp nhận, anh em không dám "liều lỉnh" cãi lời Phong Nhã, có lẽ vì không ai "dại gì" làm mất lòng một người bạn quí hiếm tốt lành như thế. Phong Nhã thỉnh thoảng vẫn "tếu" trên mạng khi bắt được một tin tức "hot" nào của bạn bè trong nhóm. Trong ký ức học trò của tôi, thời học đệ nhất B, hai người có ấn tượng rõ ràng nhất là Nguyễn Hưng và Phong Nhã. Trong ngày hội ngộ, mũ đỏ Lê Thơm đến trể, khi được giới thiệu với Nguyễn Hưng, Lê Thơm phải suy nghĩ vài phút mới nhận ra, nhưng với Phong Nhã, Lê Thơm nhận ra tức thì. Nhắc lại chuyện cũ, tôi chỉ muốn nói rằng ngày xưa Phong Nhã nổi tiếng ở Đà Lạt vì cuộc tình, thì ngày nay trong nhóm 1B, Phong Nhã cũng nổi tiếng vì tư cách "Chị Hai".

 
 

Người đầu tiên tôi gặp và nói chuyện trong buổi sáng ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri 1/5 tại nhà Hồ là Phan Tiên. Tiên bây giờ mập, trắng, có vẽ "ít nói" hơn ngày xưa. Người bạn này tôi đã được gặp lại cách đây hơn 10 năm tại Việt Nam trước khi qua Mỹ theo diện HO. Tiên cũng là người học cùng lớp với tôi từ đệ thất Võ Tánh. Kỷ niệm về Tiêncòn "ấn tượng" trong tôi không phải là kỷ niệm của thời đi học nhưng là một buổi sáng Tiên đến nhà thăm tôi với bộ quân phục gắn lon "chuẩn úy". Tôi nhớ hai đứa chụp hình với nhau và tôi thì "nhỏ xíu" đứng bên cạnh "người lớn" Phan Tiên oai vệ trong màu áo kaki. Sau ngày hội ngộ, tôi có đến thăm Tiên, lần đầu tiên được gặp "người hàng xóm" của Tiên, được Tiên cho coi hình ảnh album của gia đình trước và sau 1975, được nghe Tiên kể lại những mẩu chuyện vui của kỷ niệm cũ. Trong buổi cơm trưa hôm đó, Tiên kể lại cái quậy của mình thời trẽ mà nếu không được nghe chính Tiên kể thì có lẽ tôi không bao giờ tin. "Người lớn" Phan Tiên của tôi "thứ ba học trò" hơn nhiều bạn khác trong nhóm mà tôi đã biết, bây giờ nhắc lại chỉ còn là những kỷ niệm hồn nhiên của tuổi thơ. Có một điểm tôi rất giống với Tiên: thường nhắc chuyện cũ thời đi học. Hình như thời xưa đi học càng quậy chừng nào thì ngày nay nhắc lại càng "được vui" chừng ấy. Nhưng Tiên cũng là người nhiều "chân tình ướt át" mỗi khi nhắc về bạn cũ. Tiên là người duy nhất trong nhóm 1B hải ngoại chưa bao giờ liên lạc email nhưng lại có "chit chat" trên mạng một lần với bạn bè. Cảm nhận của tôi về Tiên qua những lần gặp mặt nói chuyện là Tiên quan tâm rất nhiều đến các bạn học cũ còn đang ở Việt Nam, âu lo về cuộc sống cơ cực của một vài bạn thân ngày xưa. Tình cảm riêng quí giá đó trong hoàn cảnh "HO" hiện tại của Tiên làm tăng thêm trong tôi sự mến mộ.

 
 

Nguyễn Hưng là một trong những người bạn ngày xưa thuộc loại thân nhưng chưa có nhiểu kỷ niệm nghịch ngợm của thời "thứ ba học trò" với tôi. Bởi mang cái tên Nguyễn Hưng nên bạn bè bây giờ hay gọi đùa là "ca sĩ Nguyễn Hưng", gọi như thế cũng không quá đáng vì Nguyễn Hưng à một trong những người hát karaoke rất hay trong đêm hôm đó. Nhưng chuyện này không tạo ấn tượng mới trong tôi về Nguyễn Hưng. Ấn tượng về Hưng đã có từ thời đi học, cách đây 40 năm. Hưng là người đã mang hảnh diện về trường Võ Tánh nói chung, về lớp của tôi nói riêng khi Hưng đậu Tú Tài với hạng tối ưu. Cái ấn tượng mới của Hưng đối với tôi là lối nói chuyện tiếu lâm thu hút người nghe của Hưng. Du học ở nước ngoài ở tuổi 17, 18 và sống ở hải ngoại 40 năm cho đến hôm nay nhưng tiếng Việt của Hưng rất sắc bén, châm chọc khôi hài một cách duyên dáng. Tôi không nhớ ngày xưa đi học Hưng ăn nói có duyên vậy không, nhưng chắc chắn ngày xưa Hưng không thuộc loại quậy trong lớp, nghịch lắm cũng chỉ dám đứng trên tản đá sau hàng tường rào phía tây của trường cùng bè bạn nhìn trộm người đẹp PN bên trường nữ đi học về. Hưng là học trò loại hiền, chăm chỉ, chữ viết nắn nót cẩn thận, đi học lúc nào cũng áo sơ mi tay dài, đầu tóc gọn gàng, đúng là một học sinh gương mẫu của thập niên 1960. Cái hiền kiểu con gái đó ngày nay không còn nữa, mỗi lần Hưng ngồi nói chuyện ở đâu là chổ đó có nhiều người ngồi quanh để nghe, nhất là các bạn nữ, vì Hưng nói chuyện pha trò rất có duyên. Châm biếm, khôi hài như thế (có lần tôi gọi Hưng là người bạn móc họng Canada) nhưng Hưng lại là người rất nhiều tình cảm ướt át. Lần đi đón Hưng ở phi trường San Jose, trong lúc bạn bè quay quần mừng rỡ hỏi thăm nhau tíu tít thì Hưng im lặng, miệng cười nhìn chúng tôi nhưng trên vành mắt đã long lanh ngấn lệ. Để cho chúng tôi khỏi khóc theo, tôi vội la lên "thằng Hưng khóc tụi mày ơi". Bây giờ nhớ lại, không biết phản ứng tự nhiên của tôi lúc đó đúng hay sai, có được lịch sự với bạn bè không, có làm Hưng bối rối... Khi xem Thế Vận Hội Mùa Hè Athens 2004, mỗi lần nhìn thấy một vận động viên nào khóc khi nhận huy chương vàng là tôi nhớ tới những giọt nước mắt của Hưng, hoàn cảnh khác nhau nhưng tâm trạng vui mừng chắc giống nhau...

 
 

Trước ngày "Tha Hương Ngộ Cố Tri", nhìn hình Nguyễn Phước Hải tôi thấy rất quen, dáng dấp "thư sinh" đó trong trường ngày xưa đâu được bao nhiêu người. Đến ngày hội ngộ, Hải trông thật trẽ trung, vẫn là dáng dấp thư sinh ngày xưa, bập bẹ rất dể thương cái tiếng Việt lơ lớ của mình. Người bạn này gây cho tôi thật "ấn tượng" về cái đáng lý ra là không ấn tượng: tiếng Việt. Hải nói tiếng Việt lơ lớ, giống như người đang học nói tiếng Việt, chính Hải cũng phải công nhận rằng "Tôi nói tiếng Việt như vậy sao?" khi xem lại CD thu hình ngày họp mặt tại nhà Hồ. Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên, nhưng khi quen với cách nói của Hải rồi, tôi bắt đầu thích thú cái tiếng Việt đó của Hải, nghe vui tai làm sao và tôi  bổng thích được nghe Hải mở miệng nói chuyện bằng tiếng Việt. Tôi biết rằng nếu được nói chuyện bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, chắc Hải sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Ấn tượng khác về Hải là Hải trông hảy còn rất trẽ, không khác bao nhiêu với "cậu bé" Hải trong tấm hình đen trắng của lớp 1B2 chụp 40 năm trước đây. Thời gian tàn phá tất cả nhưng sao lại không thấy "tàn phá" trên gương mặt của người bạn này. Tôi được nghe Tôn Thất Hòa kể nhiều về Hải, nhất là về chuyện hồi còn học Võ Tánh, Hải dám ôm phao bơi ra Hòn Tre, đến chiều ôm phao bơi về lại biển Nhatrang, bơi một mình trên đoạn đường dài trên dưới 10 cây số, không sợ chuột rút, không sợ cá mập, không sợ giông bão kéo đến thình lình... Cái "gut" của tuổi trẽ là thế, không sợ hiểm nguy mà chỉ biết chinh phục và chinh phục. Hình như sự "chinh phục" là cái gì đó có sẳn trong người của Hải, ngày xưa chinh phục biển bằng phao thì ngày nay chinh phục biển bằng ván có gắn buồm. Môn windsurfing này Hải rất ưa thích, đây là một môn thể thao mới của những người muốn tìm cảm giác mạnh vì có nguy hiểm, "no pain no gain" và "no blood no fun", Hải đã nói với tôi như thế. Ngày họp mặt tại nhà Hồ, tôi không nói chuyện được nhiều với Hải, nhưng trong chuyến "nam du" thăm gia đình Hải ở San Diego, tôi nói chuyện hằng giờ với Hải, tiếu lâm pha trò rồi cười ha hả với Hải, tôi khám phá thêm những cái "đáng yêu" nơi Hải. Cảm nhận của tôi về Hải là một người bạn rất trân trọng kỷ niệm, tình bạn ngày xưa. Trong cái không gian thân mật, thoải mái giữa bàn tiệc đãi bạn tại nhà, Hải "quậy tới bến", cái nghịch ngợm thơ ngây tuổi học trò ngày xưa của Hải rất gần gủi với cái của tôi, kỷ niệm thời đi học bây giờ là câu chuyện đầu môi, là những trận cười vang, nối đuôi không dứt. Đêm đó Hải cẩn thận dành cho tôi một phòng riêng thuộc loại "5 sao" theo tiêu chuẩn thương mại quốc tế, "ngàn sao" theo tiêu chuẩn ân tình bạn bè, nhưng đêm đó tôi không về, giờ nghĩ lại vẫn còn áy náy. Một số học trò cũ cách đây 30 năm của tôi cũng tổ chức một tiệc họp mặt bỏ túi tại San Diego đêm hôm đó, đến khi tàn tiệc thì đã quá nữa đêm, tôi ngại không dám về gọi cửa sợ phá giấc ngũ của bạn. Kỷ niệm đó nếu nhắc lại, cũng như chuyện "chiếc banh chứng minh", hy vọng cũng là một trận cười vang khác. cho Hải và tôi.

 
 

Tôi muốn nhắc câu nói "đơn thân lưỡng mạng" của Võ Dương Tâm, không phải để được viết gấp đôi, nhưng để bắt đầu về Nguyễn Thắng Hiền. Hiền rất thích thú câu này và thường nhắc lại với tôi mỗi lần nói chuyện. Trong số các bạn bè 1B hải ngoại, Hiền là một trong những người bạn có nhiều kỷ niệm nhất với tôi thời Võ Tánh, học chung lớp từ đệ thất cho đến năm đệ nhất, từng học luyện thi chung bên ngoài, từng đến nhà chơi hằng ngày, từng cùng nhập băng phá làng phá xóm, từng có mặt tại sân vận động Nhatrang để ủng hộ Ngô Năm "đấu tay đôi" giải quyết oán thù cá nhân, từng viết lưu bút cho nhau vào mỗi hè cuối niên học... Hai cụ thân sinh tôi và Hiền cũng là bạn thâm giao.Tuổi thơ của tôi có Hiền và của Hiền có tôi. Vậy mà sau Võ Tánh 1964 kéo dài cho đến ngày đổi đời, tôi chưa từng một lần gặp lại Hiền. Tôi chỉ gặp lại Hiền năm 2003 khi Hiền về thăm "người tình 92" và tại San Jose trong ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri năm nay. Hiền hôm nay không khác với Hiền hôm xưa trong ký ức của tôi bao nhiêu, vẫn dáng người "cao hơn bình thường" như thế, khuôn mặt "hiền mà tếu" vẫn như thế, cách đùa giởn với tôi vẫn như thế, nhưng cung cách nói năng dường như "cẩn thận" hơn. Hiền là một trong số ít người còn xưng hô "mày tao' với tôi giữa đám đông, và tôi thì rất thích được như vậy. Trong thời gian tôi ở San Jose, cũng như Đinh Bá Hồ, Hiền rất thường đến đưa tôi đi uống cà fê Vĩa Hè, nơi hội tụ cuối tuần của nhóm 1B San Jose, Hiền nói tôi nghe về sinh hoạt của anh em ở đây, đưa tôi đến thăm Phan Tiên, dẫn tôi về nhà xem qua "nhà tao ở", cùng với tôi và Hồ thực hiện chuyến "nam du" nhớ đời. Không biết tôi đã cười với Hiền bao nhiêu lần, vui với Hiền bao nhiêu trận, và hình như bất cứ một kỷ niệm vui nào của tôi tại San Jose đều thấy thấp thoáng bóng dáng Hiền trong đó. Khi mới gia nhập quán càfê 1B hải ngoại, Hiền đã gởi tặng tôi một tấm hình của lớp, cảm giác "rần rần" khi nhận tấm hình lúc đó ngày nay vẫn còn, và chính tấm hình này đã đưa tôi lăng xã vào quán càfê 1B hải ngoại, là động cơ giúp tôi truy tìm các bạn bè cùng lớp còn ở Nhatrang hôm nay. Bụi thời gian 40 năm dài che mờ kỷ niệm cũ bị luồng gió lạ bay đến thổi sạch khi tôi nhìn lại tấm hình này, và rồi để sau đó là ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri không bao giờ quên, một cái "duyên" trong đời như cảm tưởng của Nguyễn Hưng, một "ngày hội ngộ lịch sử" như lời của Đinh Bá Hồ, hay một "món quà bất ngờ" của bạn bè trao cho nhau. Tôi còn nhớ hôm đó Hiền rất bận rộn với chiếc máy video camera, anh em xưa nay 40 năm mới được gặp lại, thì giờ lúc ấy quí giá vô cùng, chào nhau sợ không kịp, vậy mà Hiền vừa tiếp chuyện bạn bè, vừa phải âm thầm làm cái việc "rất tốn thì giờ" là quay phim, thu hình từng người để rồi sau đó lại tiếp tục "rất tốn thì giờ" làm đi làm lại đĩa DVD "Chút Gì Để Nhớ" cho bạn bè. Phải yêu bạn bè lắm, trân trọng tình cảm quí báu của bạn bè lắm mới "hy sinh" thời giờ để hoàn thành vai trò "đơn thân lưỡng mạng" của mình. Nội điểm này thôi, Hiền cũng đáng được ghi vào sổ vàng "những cái nhất" của ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri rồi.

 
 

Khi mới gia nhập quán càfê 1B hải ngoại, Nguyễn Ngọc Hội là người tôi thường liên lạc để dò hỏi tin tức bạn bè, hoặc trao đổi kinh nghiệm về làm website. Qua những liên lạc đó, tôi cảm thấy thân và gần Hội nhiều hơn là hồi còn học chung ở năm cuối trường Võ Tánh. Tôi còn nhớ một buổi chiều ở Nhatrang, trời đẹp, cảnh đẹp, tôi hứng tình xách xe chạy một vòng biển, vừa chạy xe vừa hồi tưởng lại thời còn bé của mình. Cái điện thoại di động trong túi của tôi rung lên, bên kia đầu giây là Hội. Hội điện thoại chào mừng tôi vừa gia nhập quán càfê 1B hải ngoại, báo cho tôi biết những người bạn chung lớp còn sống ở Nhatrang, khuyên tôi nếu buồn đến thăm cho vui, Hội nhắc tên Diệp Bạch Lan và Phạm Thị Thơm. Tôi cảm động với nhiệt tình này của Hội, vì cú điện thoại thì ít mà vì quan tâm sợ tôi buồn thì nhiều. Tôi gọi Hội là "người có trái tim lớn" từ dạo đó. Tôi mến mộ Hội nhiều hơn khi dần dần biết ra được rằng Hội chẳng những đã tạo lập ra nhóm 1B Võ Tánh mà còn thường xuyên liên lạc bằng email và điện thoại đến bạn bè trong nhóm để nuôi dưỡng mối giao tình hảy còn "mong manh" lúc ban đầu. Phải là người rất nhiệt tình, hăng say mới như thế, lời nói chưa đủ, cần thêm hành động và đó là cảm nhận của tôi về Hội. Trước ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri, một trong những người tôi muốn được gặp là Hội, người có trái tim lớn, ông Tổng Thư Ký, ông Mễ South Carolina. Bạn bè gọi đùa Hội là "ông Mễ South Carolina" có lẽ vì bộ râu mép của Hội trông giống người Mễ. Chẳng những vì bộ râu, mà nếu không có râu thì chưa chắc tôi nhận ra được Hội bây giờ vì Hội thay đổi nhiều lắm, bạn học cũ của Hội ở Nhatrang cũng nói như vậy. Trong ngày hội ngộ tại nhà Hồ, Hội là người nói ít, nhưng mỗi lần Hội nói là mỗi lần Hội nói về một chuyện vui rồi sau đó cười ha hả với bạn bè. Hội là "vua" ăn bánh bột lộc và được Nguyễn Thắng Hiền chọn là một trong những cái nhất của ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri. Một ấn tượng khác trong tôi về Hội là hình như Hội rất được nhiêu bạn bè trong nhóm thương mến, vì chân tình của Hội đối với bạn bè, vì nhiệt tình trong hăng say đối với nhóm 1B, vì tình trạng sức khỏe của Hội, hay vì tất cả những lý do đó. Hội có một vị trí rất cao trong lòng anh em, tiếng nói của Hội đưọc lắng nghe. Trong liên lạc email, thỉnh thoảng thấy Hội "tiếu lâm" rất vui, đôi lúc rất bạo, thật khác với cái bề ngoài "ông Mễ" của Hội, nhưng cũng lại rất "ướt át" khi trang trãi nổi lòng tâm sự. Một ấn tượng nữa trong tôi về Hội là một người bạn rất trực tính, dám nói dám làm, không thích cái gì là "phang" ngay. Thời gian trước đây khi nhóm thành lập, trước ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri, vài bạn bè trong nhóm bàn nhau về cái "nội quy" của 1B, tôi đưa ra vài ý kiến và có ý kiến bị Hội "phản đối" tận tình khiến tôi lật đật rút lại. Tôi quan niệm rằng trong tình bạn, một ý kiến "đúng" hay "sai" chỉ có giá trị tương đối, cái đẹp giá trị hơn chính là cái "sống thật" của bạn mình trong đó. Mỗi lần nhớ lại chuyện này là tôi tự nhiên cười, và mong cái điện thoại di động trong túi tôi lại rung lên...

 
 

Tôi muốn nói ngay là tôi rất mến người bạn này ở cái tính xề xòa "chịu chơi". Ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri, tuy không phải là dân "pro" xài máy chụp hình kỷ thuật số, Hồ Hải chơi đẹp, tậu một digital camera mới toanh loại professional để "chụp anh em trong một dịp đặc biệt như thế". Chụp được vài tấm hình thì phim bị đầy, máy thuộc loại tối tân, tôi và Hải loay hoay điều chỉnh lại nhưng vẫn không sửa được đành "tạm quên" chiếc máy hình đắc tiền đó. Không biết bây giờ Hải đã thành dân "pro" xử dụng máy hình đó chưa? Không những chịu chơi trong chụp hình, mà khi nói chuyện, Hải cũng vậy. Nói chuyện với người bạn này rất thoải mái, tôi nói tới đâu, Hải tiếp tới đó, tôi pha trò chọc quê, Hải chọc quê tôi lại rồi sau đó ôm bụng cười ha hả... Người bạn này và Đỗ Đình Quang có cái "duyên" với tôi từ nhỏ, đứng bên cạnh tôi trong tấm hình lịch sử của lớp Tứ 2 do Nguyễn Thắng Hiền gởi tặng. Thân nhau như thế nhưng sau Võ Tánh, tôi chưa bao giờ được gặp lại Hải hay đuợc nghe một tí tin tức gì về Hải, mãi cho đến 40 năm sau khi gia nhập quán càfê 1B hải ngoại mới được Đỗ Đình Quang tiết lộ chút chút. Hôm Hải từ Houston bay về San Jose dự ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri, tôi ra phi trường đón người bạn này, tôi muốn nhìn lại Hải tức thì, không muốn đợi đến hôm sau. Trong thời gian liên lạc qua email, Hải "quậy" rất vui, bất cứ một đề tài thời sự nào đang "nóng" trong nhóm cũng được Hải tiếu lâm chọc cười, từ chuyện con chim hải âu bay qua biển Manche cho đến những người xưa ở Võ Tánh mà nay nhìn lại hình. Tôi mến Hải ở cái tính vui vẽ, xề xòa, anh em sao thì Hải vậy, bạn bè "cập bến" nào, Hải "vào bến" đó. Hải là người đơn giản và nhiệt tình, nhất là mỗi khi có vấn đề "tình cảm" với các bô lão 1B Nhatrang. Cảm nhận của tôi về Hải là  người bạn này của tôi rất "trong sáng" khi tâm sự, sẳn sàng nói thật cảm nghĩ riêng của mình trong ý ngay lành. Trước đây Đỗ Đình Quang là người hay kể tôi về Hải thì bây giờ tôi là người hay nhắc lại Quang về Hải. Trong chuyến nam du California, nếu thì giờ cho phép thì có lẽ tôi và các bạn đã lái xe xuống thăm Hải, một điều tôi rất muốn nhưng tiếc không làm được. Tôi còn nhớ những trận cười với Hồ Hải trong thời gian 5H là Hải, Hồ, Hiền, Hưng, Hoàng "chit chat" trên mạng trước ngày Tha Hưong Ngộ Cố Tri, những buổi đấu láo qua internet gần như liên tục hằng đêm trên mạng, một thói quen phải có trong ngày, đêm nào không "chit chat" là đêm đó mất ngũ. Hải đi làm về  rất khuya nhưng cũng ráng lên mạng góp chuyện với anh em, làm đề tài "cống hiến" cho nhóm 5H những trận cười mà nếu vắng Hải chắc sẽ không "vui nhớ đời" như vậy. Sau 40 năm, tôi gặp lại Hồ Hải chỉ ngày hôm đó và nữa buổi sáng hôm sau, ăn điểm tâm vội vã tại phở Hòa rồi tiễn bạn ra xe về lại Houston với công việc.... Tôi không muốn "gặp lại Hải lần nữa 40 năm sau" . Tôi muốn gặp lại Hải bây gờ, nhiều hơn, lâu hơn, muốn cười ha hả thêm với Hải, chọc quê Hải hay bị Hải chọc quê ở thành phố kỷ niệm tuổi thơ này, và hy vọng khi đó Hải sẽ chụp tôi những tấm hình digital đẹp vì là dân "pro" với chiếc máy hình kỷ thuật số của mình rồi.

 
 

Võ Ngọc Kỷ học chung lớp với tôi từ nhỏ, nhà Kỷ gần nhà tôi nhưng hình như tuổi thơ mỗi đứa bám rễ theo những bạn bè khác của mình nên suốt quãng đời trung học hai đứa bận rộn với bạn bè riêng và có ít những kỷ niệm nhớ đời với nhau. Tuy vậy cái tên Võ Ngọc Kỷ rất quen thuộc với tôi, có thể nói là tôi không bao giờ quên cái tên này, tên của một vài người bạn cùng lớp khác tôi có thể quên nhưng tên của Kỷ thì chắc chắn là không. Khi nhìn tấm hình Tứ 2 của Hiền tôi nhận ra Kỷ ngay, dáng người cao, khuôn mặt hiền, hình ảnh này vẫn còn in đậm trong ký ức học trò của tôi. Tôi cũng rất thích khi được tấm hình xưa thứ hai của Hồ Hải gởi tặng, Kỷ nhìn rõ hơn trong tấm hình này. Không ngờ Võ Ngọc Kỷ "gắn liền" với tôi như thế, có mặt trong hai tấm hình quí hiếm. Bạn bè hải ngoại thỉnh thoảng nhắc về Kỷ trong email, người bạn này bây giờ  tính tình vui nhộn, "khắc tinh" của Lê Thơm, "nhậu tới bến" với Hồ Hải,  "tay tiếu lâm rường cột" của nhóm bô lão 1B San Jose. Ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri gặp lại Kỷ, tôi tò mò muốn biết thêm về Kỷ, nhất là sau này tôi biết ra rằng gia đình vợ Kỷ là chổ thân tình với mẹ tôi. Kỷ hôm nay khác với Kỷ ngày xưa trong ký ức của tôi. Kỷ bây giờ mập hơn, "đẹp" hơn. Kỷ nói chuyện vui hơn, quậy hơn, bạo hơn. Trong ngày họp mặt có lẽ Kỷ là người nói chuyện và cười với tôi nhiều nhất. Kỷ cười cái cưới sảng khoái, giọng cười ồ ồ, miệng chúm chím. Kỷ đặt tên mới cho tôi là "Tạ Tốn" có lẽ vì tôi có tật cười rống. Kỷ có cái giống tôi, tóc trên đầu bắt đầu thưa dần, dấu hiệu của "tuổi tác và stress". Tôi nhớ buổi chiều hôm đó tại nhà Hồ bạn bè tụm nhau ngồi sau vườn nói chuyện vui. Kỷ nói nhiều, và là người kể chuyện pha trò rất vui. Tôi còn nhớ mãi cái không khí im lặng hoàn toàn của nhóm khi lắng nghe Kỷ đọc bài thơ cải biên "Dáng Đứng Bến Tre", lúc Kỷ đọc xong cả nhóm ôm bụng cười một trận đã đời, cười còn lớn hơn tiếng hú của Tạ Tốn. Bài thơ vui này của Kỷ được Nguyễn Thắng Hiền chọn vào danh sách "những cái nhất" trong ngày hội ngộ.

 
 

Nhớ đến Nguyễn Văn Kỳ là tôi nhớ đến chiếc ghế nệm massage tuyệt vời buổi sáng "nam du" cùng với Hồ, Cư, Hiền, Cúc. Suốt đoạn đường dài bảy tiếng đồng hồ lái xe, vượt qua bao đồi núi, để vào thành phố "những thiên thần" Los Angeles bận rộn nhất của nước Mỹ, chiếc ghế massage ở nhà Kỳ là lời "welcome" đúng lúc nhất đối với tôi. Bao mệt mõi sau một hành trình dài tan biến mất khi đặt lưng nằm trên chiếc ghế đó. Tôi còn nhớ mãi nét mặt rạng rỡ hân hoan của Kỳ ngày hôm đó, mừng vui như con nít được quà khi chúng tôi đến, loay hoay chỉ chúng tôi xem cái này, tíu tít đưa chúng tôi xem cái kia. Trong ký ức học trò, tôi chỉ nhớ mang máng về người bạn này tuy cùng học chung lớp. Nhưng đó là quá khứ, còn hôm nay Kỳ là người bạn rất thân của tôi, một cây tếu có hạng, một nhà thơ "mới mọc" cùng với biến cố Tha Hương Ngộ Cố Tri. Kỳ là một người bạn bình dị, tính tình trẻ trung, nói giọng "Huế lai" và hay chọc cười. Trước đây tôi nghĩ rằng "làm thơ là side effect của bệnh già", nhưng điều đó không còn đúng ở Kỳ rồi. Trông Kỳ không có dáng dấp "bô lão" mà thường những người ở tuổi lục tuần có. Kỳ trông còn rất trẽ như Nguyễn Phước Hải, Đỗ Đình Quang, Hồ Thanh Bách. Kỳ làm thơ rất có duyên và là người sáng tác thơ nhiều nhất trong dịp Tha Hương Ngộ Cố Tri. Lần đón Kỳ tại Grand Century, tôi hỏi Kỳ biết làm thơ từ bao giờ, Kỳ trả lời ngay "mới bắt đầu làm thơ mấy ngày nay". Trong ngày hôi ngộ lịch sử ở nhà Hồ, hình như tôi chưa được nói chuyện riêng với Kỳ, nếu có cũng là chuyện chung cho cả nhóm nghe. Nói chuyện riêng nhiều nhất với Kỳ có lẽ là trong chuyến 'nam du". Tôi mến mộ ngay cái tình thân Kỳ dành cho tôi qua những câu chuyện đó. Quá khứ 40 năm dài sau Võ Tánh của Kỳ tôi chưa biết thì nay tôi được Kỳ kể lại hết trong ngày hôm đó. Trong danh sách những người bạn "đào hoa lãng tử" của tôi, từ nay đã có thêm Kỳ.

 
 

Tôi quen Lê Thơm thời còn bé khi mới từ trường tây chuyển qua trường Hóa Khánh. Tôi vẫn còn quen thân Lê Thơm những năm học Võ Tánh sau đó. Sau Võ Tánh tôi không  gặp Lê Thơm nữa, chỉ được nghe nói rằng Lê Thơm vào Võ Bị Đà Lạt và nay là lính Nhảy Dù. Thời tuổi trẻ ai mà chẳng ôm mộng trở thành những chiến sĩ oai hùng của trường Võ Bị. Tôi cảm phục Thơm từ đó. Trước và sau 1975, tôi có hỏi nhiều bạn bè về tin tức Lê Thơm nhưng dường như chẳng ai biết rõ ràng. Mãi cho đến 2003 khi tìm được 1B hải ngoại tôi mới biết được tin tức về Lê Thơm. Chuyến đi San Jose vừa rồi của tôi có mục đích là gặp lại Lê Thơm "bằng xương bằng thịt" sau một thời gian dài như thế. Tôi không bận tâm nhiều về chuyện ngày nay Lê Thơm có còn nhớ đến tôi không, hay còn thân với tôi như hồi học lớp 5 Hóa Khánh, tôi chỉ muốn nhìn lại Lê Thơm, người bạn có mặt trong đoạn đầu tuổi thơ của mình. Gặp Thơm ngày hội ngộ, tôi rất vui mừng và một ít xót xa. Vui mừng vì Lê Thơm còn khoẻ mạnh, bình thản chấp nhận cuộc sống đổi đời hiện tại. Xót xa vì những nhọc nhằn của năm tháng cơ cực trong trại tù cải tạo còn in dấu rất rõ trên gương mặt người bạn này của tôi. Thỉnh thoảng trong lúc nói chuyện, tôi bắt gặp đâu đó một thoáng buồn man mác trong ánh mắt, ngay trong nụ cười của Thơm tôi vẫn cảm nhận sự thất vọng phảng phất về một quá khứ đã sụp đổ. Không biết tôi có sai lầm không khi cảm nhận như vậy nhưng rõ ràng đây là cảm nhận nảy sinh tự nhiên trong lúc nói chuyện với Thơm. Trong ký ức của tôi, Thơm là một trong những người bạn "tài hoa", như Nguyễn Xuân Tiến hay Lê Đình Hội, tuổi thơ của tôi đẹp thêm nhờ có những người bạn này. Tôi đồng ý với một số bạn bè cũ ở Nha Trang là Lê Thơm tuy là một quân nhân nhảy dù, nhưng Thơm là một người rất "ủy mị" trong tình cảm với bạn bè. Trong quân đội Thơm quan tâm đến đời sống riêng của binh sĩ dưới quyền và gia đình họ. Ngày nay cái "ủy mị" ấy vẫn còn khi Thơm nhờ tôi tìm tông tích những bạn bè cũ của Thơm, và khi tìm gặp được, tôi hiểu ngay cái lý do "ủy mị" của Thơm, đa số những người đó đều là những người cần được giúp đỡ. Tôi rất hảnh diện khi Thơm mời tôi tham dự ngày sinh hoạt của gia đình "mũ đỏ" San Jose, Thơm phải quí mến tôi lắm mới mời tôi đi cùng, dầu dưới lý do gì. Tôi cũng rất vui khi Thơm đến nhà chơi nhiều lần và ở lại đến nữa đêm mới về. Tôi tâm sự hằng giờ với Thơm. Thơm nhớ rất nhiều chuyện cũ, từ thời tiểu học cho đến trung học, nhớ rõ ràng từng chi tiết. Người bạn xưa tưởng đã mất, nay bổng tìm lại được, ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri đúng là một món quà bất ngờ đối với tôi.

 
 

Mai Xuân Bê, người về từ cõi không. Có một dạo bạn bè trong nhóm đã đốt hương cho Bê trên mạng sau khi được những tin tức không rõ ràng từ Nhatrang. Cái tin chỉ đúng 50 phần trăm vì người ở lại Charlie tên Bê kia không phải là Mai Xuân Bê của 1B1 Võ Tánh 63-64. Cũng chính vì cái tin chưa được 'double check' đó mà ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri bạn bè xúm lại hỏi thăm Mai Xuân Bê rất kỷ. Chuyện đời là vậy, cái tưởng đã mất bổng tìm lại được mới cảm thấy quí, sự xuất hiện của Mai Xuân Bê bằng xương bằng thịt trong ngày hội ngộ là một món quà rất lớn đối với mọi người, ai nấy đều vui mừng và muốn nhìn mặt Bê thật rõ. Tôi là một trong số những người ấy. Tôi không nhớ nhiều lắm về Mai Xuân Bê hồi nhỏ, tuy cái tên nghe rất quen. Tôi chỉ lờ mờ trong ký ức rằng hồi năm đệ nhất, Mai Xuân Bê là người bạn học dường như đã có rất nhiều "kinh nghiệm đời". Mai Xuân Bê hồi đó "cái gì cũng biết", và tôi rất phục Bê. Sau ngày hội ngộ, tôi có lần điện thoại thăm Bê và Bê tuy bận rộn nhưng sẳn sàng tiếp chuyện tôi cả tiếng đồng hồ, anh em nói với nhau đủ thứ chuyện, cười giởn với nhau đủ thứ điều. Cảm giác lần đó thật thân mật. Hình như trong nhóm đã có người gọi Bê là ông "Mễ New York" vì trong nhóm 1B hải ngoại chỉ có Nguyễn Ngọc Hội và Mai Xuân Bê gan cùng mình, để râu giống Mễ. Tuy để râu, Mai Xuân Bê vẫn còn dể nhận, nhìn cái nét "đẹp trai và sành sỏi" ngày nay trên gương mặt Bê thì nhớ lại ngay gương mặt của Bê ngày xưa. Bê chỉ mập và trắng hơn hồi đó chút chút. Hình như "sự trở về" của Bê do chính Bê tự lần mò tìm ra và dần dần bắt được liên lạc với Đinh Bá Hồ tại San Jose. Nếu đúng như vậy. nhóm1B Võ Tánh hải ngoại thật có duyên với Bê. Trong những liên lạc email sau này, tôi thích nhất một câu nói của Bê. Câu nói rất hay, rất đúng, mà chỉ những người từng sống và từng yêu ở Nhatrang mới cảm nhận được. Bê nói thế này: "Trời và biển đã chiếm cả tâm tư và trái tim của các người đẹp Nhatrang". Người về từ cõi chết đã nói một câu thật sống và sống đời.

 
 

Tự truyện hay nhất được Nguyễn Thắng Hiền chọn đưa vào sổ vàng "những cái nhất trong ngày hội ngộ" là chuyện Bỏ Quên Cây Súng của Ngô Sơn Khánh. Tôi đồng ý với Hiền hoàn toàn về sự lựa chọn này. Nội dung câu chuyện đã hay và cách kể của Khánh cũng hay. Tôi không biết ngày xưa Khánh nói chuyện có "duyên dáng" vậy không, nếu có thì quả thật "trời và biển" Nhatrang như thêm bườm, thêm cánh, bay tới đâu, đậu bến nào mà chẳng được. Học chung lớp với Khánh từ nhỏ nhưng tôi không đi chơi nhiều với Khánh, chụp hình trong lớp thì Khánh đứng tận hàng sau, giờ sinh hoạt thì Khánh ít nói, giờ tan lóp thì Khánh biến rất lẹ. Hình như Khánh có một "thế giới" riêng của mình, tôi thuộc loại "nhóc con" thì làm sao lọt vào thế giới đó được. Tôi chỉ lọt vào thế giới của Khánh 40 năm sau, ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri, khi Khánh đùa giởn với tôi, cùng với tôi và Hồ đến phi trường đón Hồ Hải và Nguyễn Hưng, xưng "mày tao" với tôi giữa đám đông thật vui hôm đó. Cảm nhận của tôi về Khánh là một người bạn tính tình khiêm tốn và rất trân trọng tình cảm bạn bè. Người hay nói với tôi về Khánh là Trần Bổn vì Bổn và Khánh là hai người bạn rất thân. Không biết hồi đó Bổn có lọt vào thế giới riêng của Khánh chưa nhưng sự liên lạc của Bổn và Khánh rất đặc biệt. Tôi chỉ biết có thế. Tuy Khánh không liên lạc email với bạn bè trong nhóm, cũng như Thơm, Tiên, Long nhưng có sinh hoạt đặc biệt nào của nhóm là Khánh có mặt ngay. Hình như Khánh là ngưòi đầu tiên ghi tên tham dự với Hồ ngày hội ngộ lịch sử. Tấm hình đầu tiên của các bạn trong 1B Võ Tánh tôi nhận là của Khánh, Hồ và Hội mùa anh đào nở. Khánh nhìn "chững chạc" quá trong tấm hình này. Đến lúc gập được Khánh ngày 1/5 thì cái ấn tượng "chững chạc" đó không còn nữa, Khánh tếu rất vui, xưng hô "mày tao" với tôi một cách tự nhiên, đôi lúc còn "tranh" nói với tôi nữa. Ước gì, ước gì... tôi sẽ bị Khánh tranh nói với tôi dài dài những lần gặp gỡ sau này.

 
 

 Hồ Thanh Bách, người bạn không thể quên. Cũng như đa số các bạn trong nhóm 1B Võ Tánh, tôi chỉ được gặp Bách lần đầu sau 40 năm trong ngày Tha Hương Ngộ Cố Tri. Bách có về Nhatrang vài lần nhưng tôi không gặp Bách lần nào. Qua thông tin của anh em trong nhóm, tôi biết Bách ngày nay đang sống tại Đức, một quốc gia nghe nói đến rất nhiều nhưng chưa bao giờ có dịp viếng thăm. Trong ký ức học trò của tôi, Bách ngày xưa là một học trò gương mẫu mà bất cứ thầy cô nào dầu khó tính đến đâu cũng phải ưa thích. Bách chăm học, ăn nói nhẹ nhàng, lễ phép lịch sự với mọi người, một "protocol" dể thương của người gốc Huế. Ngày gặp lại Bách tại nhà Hồ, trông Bách vẫn như xưa, không thay đổi nhiều với thời gian, nếu gặp Bách giữa đám đông tôi vẫn có thể nhận ra không khó. Hình như tôi không được nói chuyện nhiều với Bách trong ngày hội ngộ tại nhà Hồ, có lẽ vì Bách và tôi đã nhiều lần nói chuyện điện thoại với nhau hoặc trao đổi email, và muốn dành thời giờ quí giá ngày hôm đó cho những bạn bè khác mới tìm ra. Nói thế không có nghĩa là tôi không có "ấn tượng" về Bách trong ngày hội ngộ. Tôi rất ấn tượng về Bách khi đến tặng mỗi người một hộp chocolate "made in Germany" và rồi sau đó là một cái "choàng vai" thân mật, mừng rỡ gặp lại nhau. Chừng đó cử chỉ đã nói hết tâm sự mến thương và nhớ nhung bạn bè ngày xưa của Bách như thế nào. Qua email ít khi thấy Bách "tếu" hay tâm sự "ướt át" nhưng qua những bài viết của Bách đọc trên website 1B và trong đặc san Hội Ngộ Hè Võ Tánh - Nữ Trung Học Nha Trang, tôi nghĩ Bách là người rất đa tình đa cảm với những trân trọng tình bạn ngày xưa rất dể thương. Bách có một trí nhớ rất tốt, và cái trí nhớ này đôi lúc là một "cứu tinh" cho quán càfê 1B hải ngoại khi nhắc về một con người hay một kỷ niệm. Tôi rất mến phục, theo lời Bách kể, cái cất công "chu du bốn biển" đi tìm Nguyễn Hưng, một "người anh em lưu vong" sớm nhất trong nhóm. Đành rằng cái tìm kiếm ấy là tình cảm riêng giữa Hưng và Bách, nhưng xét cho cùng nó cũng là gốc rễ cho cái "duyên" hình thành nhóm 1B hải ngoại hôm nay. Bốn mươi năm trước tôi đã mến phục Bách như thế nào, hôm nay, bốn mươi năm sau tôi vẫn còn mến phục Bách như vậy.